Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,49 USD, tương đương 1,9%, ở mức 80,06 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,43 USD, tương đương 1,9%, lên 75,20 USD/thùng.
Hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc đà tăng lãi suất đang thị trường tài chính phấn chấn và khiến đồng USD suy yếu. Đồng USD giảm giá làm cho hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên bớt đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Cả dầu Brent và dầu WTI đều giảm hơn 8% trong tuần trước, mức giảm hàng tuần lớn nhất của chúng vào đầu năm kể từ năm 2016.
Avtar Sandu, giám đốc cấp cao về hàng hóa tại công ty giao dịch hàng hóa Phillip Futures (Mỹ), cho biết: “Giá dầu thô phục hồi sau mức giảm của tuần trước khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại và triển vọng thắt chặt tiền tệ ít tích cực hơn từ Fed đã tạo ra tín hiệu lạc quan cho sự phục hồi của nhu cầu năng lượng”.
Là một phần của "giai đoạn mới" trong cuộc chiến chống lại COVID-19, Trung Quốc đã mở cửa biên giới vào cuối tuần qua sau ba năm "bế quan tỏa cảng". Theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Cirium, trong tuần trước, các hãng hàng không đã tăng công suất bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc trong tháng 1/2023 lên 9,5%, khi họ tăng cường các chuyến bay sau khi Bắc Kinh mở cửa biên giới.
Bất chấp giá dầu tăng vào phiên 9/1, vẫn còn lo ngại rằng lượng lớn du khách Trung Quốc có thể gây ra một đợt lây nhiễm COVID-19 mạnh mẽ khác, trong khi những lo ngại về kinh tế vĩ mô cũng kéo dài.