Sáng 9/1, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 53 xu Mỹ (0,7%) lên 79,10 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 46 xu Mỹ (0,6%) lên 74,23 USD/thùng.
Những hy vọng về chính sách tăng lãi suất mềm mỏng hơn của Mỹ đã thúc đẩy các thị trường tài chính và gây sức ép lên đồng USD. Đồng USD suy yếu khiến hàng hóa được giao dịch bằng đồng bạc xanh trở nên hợp lý hơn cho những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều đã giảm hơn 8% trong tuần trước, mức giảm lớn nhất kế từ năm 2016.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho biết giá dầu có mức giảm nhiều nhất tính theo tuần trong một tháng do những lo ngại về suy thoái kinh tế vì giá dầu biến động cùng chiều với lạm phát kể từ năm 2022. Tuy nhiên, Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hạn chế đà giảm trong thời gian tới.
Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã mở cửa biên giới trong ngày 7/1, lần đầu tiên sau ba năm, làm tăng triển vọng về nhu cầu nhiên liệu vận tải. Trung Quốc cho biết dự kiến có khoảng 2 tỷ chuyến đi trong nước sẽ được thực hiện trong mùa Tết Nguyên đán, gần gấp đôi so với năm 2022 và phục hồi tới 70% so với mức của năm 2019. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại rằng lượng khách du lịch khổng lồ này có thể gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh khác và hạn chế khả năng phục hồi trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Tuần trước, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm 7 giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2021.