Trong khi đó, hoạt động chế tạo tháng Ba của Trung Quốc tăng mạnh đã giúp “bổ sung” thêm dấu hiệu về đà phục hồi kinh tế.
Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2021, hết hạn vào ngày 31/3, tăng 46 xu Mỹ (0,7%) lên 64,60 USD/thùng vào lúc 13 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, sau khi giảm 1,3% trong phiên 30/3. Còn hợp đồng dầu Brent giao tháng 6/2021 tăng 52 xu Mỹ (0,8%) lên 64,69 USD/thùng. Hợp đồng dầu này đã giảm hơn 2% trong tháng này, trái ngược với mức tăng 18% trong tháng Hai.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 51 xu Mỹ (0,8%) lên 61,06 USD/thùng, sau khi giảm 1,6% trong phiên trước đó.
Margaret Yang, chiến lược gia thuộc DailyFX có trụ sở tại Singapore, cho hay giá dầu dường như được củng cố bởi số liệu về Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tích cực của Trung Quốc, mà thể hiện đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng suy yếu tại châu Âu do làn sóng COVID-19 thứ ba, OPEC+ có khả năng sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay vào tháng 5/2021 cho đến khi triển vọng tăng trưởng cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Hoạt động chế tạo tháng 3/2021 của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng do các nhà máy tăng cường sản xuất sau khi tạm nghỉ trong đợt nghỉ Tết nguyên đán.
Tuy nhiên, OPEC+ bày tỏ quan ngại về số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu ngày càng tăng và các biện pháp phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu dầu.
OPEC+ dự kiến nhóm họp vào ngày 1/4 sau một tháng giá dầu giao dịch bấp bênh “theo hình răng cưa” do lo ngại về việc các biện pháp phỏng tỏa tại châu Âu sẽ được gia hạn, vaccine ngừa COVID-19 triển khai chậm trễ và số ca mắc tại Ấn Độ và Brazil tăng.
Tháng trước, OPEC+ đã gây bất ngờ cho thị trường khi đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, cùng thời điểm khi nhu cầu năng lượng dường như dần phục hồi.