Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị kiềm chế bởi không chắc chắn về tác động của các ca nhiễm COVID-19 mới đối với Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 15 xu Mỹ (0,2%), lên 79,95 USD/thùng, sau khi tăng 76 xu Mỹ trong phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 32 xu Mỹ (0,4%), lên 75,51 USD/thùng, sau khi cộng thêm 90 xu Mỹ ở phiên trước đó.
Đầu phiên này, cả hai loại dầu chủ chốt đều tăng hơn 1 USD.
Giá dầu đã được hỗ trợ bởi kế hoạch của Mỹ được công bố vào tuần trước nhằm mua tới 3 triệu thùng dầu cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược sau khi nước này giải phóng lượng dầu kỷ lục 180 triệu thùng từ kho dự trữ này kể từ đầu năm nay.
Đồng USD yếu hơn cũng đã hỗ trợ giá dầu, bởi nó khiến dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, cần có những dấu hiệu rõ ràng về nhu cầu ngày càng tăng để giá dầu có thể tăng cao hơn nữa.
Edward Moya, nhà phân tích của OANDA cho biết: “Triển vọng nhu cầu dầu sẽ là chìa khóa cho diễn biến của giá dầu thô trong tương lai và điều đó khó có thể rõ nhận thấy khi chúng ta vẫn đang chứng kiến các tín hiệu hỗn hợp với việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế”.
Nhà phân tích Tina Teng tại CMC Markets cho biết, mặc dù Trung Quốc nới lỏng các hạn chế liên quan tới đại dịch, sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 đã gây ra tác động tiêu cực đối với thị trường dầu mỏ do sự không chắc chắn về khả năng phục hồi kinh tế của nước này.
Vandana Hari, người sáng lập công ty Vanda Insights tại Singapore, cho biết: "Mức tăng của dầu thô, mặc dù vừa phải, nhưng mang tính thăm dò. Tôi cho rằng áp lực giảm từ những lo ngại về kinh tế toàn cầu sẽ thắng thế".
Theo khảo sát của Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến giảm khoảng 200.000 thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng cao.