Sau khi tăng lên mức cao kỷ lục, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã mất phần lớn đà tăng, song vẫn khép phiên tăng 1% lên 31.802,44 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 2,4% xuống 12.609,16, còn chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,5% xuống 3.821,35 điểm.
Art Hogan, chiến lược gia tại National Securities, nhận định các nhà đầu tư đang rút khỏi lĩnh vực công nghệ và hướng sự chú ý vào các chu kỳ kinh tế nhạy cảm.
Gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden và tiến triển trong quá trình tiêm chủng phòng COVID-19 được coi là những yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, mối lo về đà tăng của lạm phát và triển vọng thay đổi trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đè nặng lên tâm lý của các nhà giao dịch.
Trong khi đó, giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống trong phiên 8/3, rút khỏi mức đỉnh trên 70 USD/thùng sau khi các vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia khiến giá dầu thô tăng cao lần đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,12 USD, hay 1,6%, xuống 68,24 USD/thùng, sau khi chạm tới mức đỉnh kể từ ngày 8/1/2020 là 71,38 USD/thùng trong cùng phiên tại châu Á. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,04 USD, hay 1,6%, và đóng phiên ở mức 65,05 USD/thùng. Dầu Brent và WTI đã có 4 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Trước đó, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết một máy bay không người lái đã tấn công khu bồn chứa dầu ở cảng Ras Tanura, một trong những cảng vận chuyển dầu lớn nhất thế giới, trong khi mảnh đạn từ một tên lửa đạn đạo rơi xuống gần khu nhà ở của cơ sở dầu mỏ Saudi Aramco thuộc thành phố Dhahran.Tuy nhiên, Riyadh cho hay không có thương vong hay thiệt hại tài sản nào sau vụ tấn công.
Các vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia diễn ra sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh (OPEC+) hồi tuần trước đã quyết định giữ nguyên phần lớn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 4 tới.