Giá dầu Brent giao tháng 5/2021 tăng 1,24 USD (tương đương 1,9%), lên 65,66 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,18 USD (1,9%), lên 62,68 USD/thùng. Trước khi giảm trở lại trong phiên cuối tuần, cả hai loại dầu này đều chạm mức cao nhất trong 13 tháng.
Hạ viện Mỹ đã thông qua gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro và tạo động lực cho các thị trường chứng khoán châu Á. Trong khi đó, việc vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson được thông qua cũng đã góp phần thúc đẩy triển vọng kinh tế của Mỹ.
Theo kế hoạch, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh sẽ họp vào ngày 4/3, thảo luận về việc phục hồi sản lượng đến 1,5 triệu thùng/ngày.
Cùng ngày, thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm do các nhà đầu tư tích cực mua vào sau đợt bán mạnh của tuần trước và những tiến triển tốt về gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ.
Chốt phiên 1/3, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 2,4% lên 29.663,50 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,6% lên 29.452,57 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1,2% lên 3.551,40 điểm.
Các thị trường chứng khoán Sydney, Singapore, Mumbai, Manila và Jakarta đều tăng hơn 1%. Wellington và Bangkok cũng trong xu hướng tích cực. Thị trường Seoul đóng cửa nghỉ lễ.
Các nhà quan sát cho rằng đà tăng của các thị trường chứng khoán vẫn bị hạn chế bởi lo ngại sự phục hồi kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ làm tăng lạm phát và buộc các nước nâng lãi suất sớm hơn so với trước đây. Chuyên gia Rodrigo Catril của trung tâm National Australia nhận định rằng những người tham gia thị trường vẫn lo lắng về viễn cảnh lạm phát tăng khi các nền kinh tế tìm cách mở cửa trở lại sau khi các kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 diễn ra ở các nước, mức tiết kiệm cao cùng với sự hỗ trợ của các chính sách tiền tệ và tài khóa.