Chỉ số chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) MSCI đã tăng 1,3%, sau khi tăng 8,39% trong ngày 24/3 - mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tại Australia, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tăng 4,5% trong phiên mở cửa.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei -225 tăng 4,97% lên 18.991,38 điểm, sau khi chốt phiên chiều 24/3 với mức tăng hơn 7%. Chỉ số Topix tăng 4,54% lên 1.393,67 điểm.
Tại Hàn Quốc, vào lúc 9 giờ 15 phút sáng 25/3 (theo giờ địa phương), chỉ số KOSPI tăng 3,99% lên 1.674,13 điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/3, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đều đồng loạt tăng điểm do giới đầu tư kỳ vọng về gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ cũng như các động thái mới của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong nỗ lực hạn chế tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với kinh tế. Tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones đã tăng 11,4% - mức tăng trong ngày cao nhất kể từ năm 1933, được thúc đẩy bởi tín hiệu Quốc hội Mỹ đã gần nhất trí về gói cứu trợ kinh tế có thể lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng tăng lần lượt 9,4% và 8,1%.
Trong khi đó, giá vàng tương lai giao dịch tại New York, Mỹ cũng đã ghi nhận mức tăng vọt trong 1 ngày. Cụ thể, giá vàng giao tháng 4 tăng 93,2 USD/oz (5,95%), lên mức 1.660,8 USD/oz. Giới phân tích thị trường cho rằng giới đầu tư có xu hướng đầu cơ tích trữ vàng để đối phó với nguy cơ xảy ra lạm phát trong bối cảnh FED cam kết sẽ thu mua các loại tài sản thế chấp không giới hạn để bình ổn kinh tế Mỹ trong thời kỳ dịch bệnh.