Theo VCCI, việc cắt giảm ĐKKD ở các bộ ngành đến nay có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành. Thế nhưng, theo khảo sát, mức độ thực chất của việc cắt giảm ĐKKD (bãi bỏ những điều kiện bất hợp lý, không minh bạch, không khả thi) thì không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.
Từ góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện các Nghị quyết 19/CP và 35/CP đã mang lại sự cải thiện tích cực, nhất là về thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, vẫn có đến 58% số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó có 42% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.
“Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành hàng hóa có hàng nghìn thủ tục, nhưng tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện trên cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục. Tuy nhiên, trong 68 thủ tục này thì chỉ có duy nhất 1 thủ tục (khai báo hóa chất) thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm bản giấy. Điều đó cho thấy, mức độ cải cách rất chậm”, ông Tuấn nói.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc kiên trì thực hiện chuỗi Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tạo ra rất nhiều khác biệt so với trước đây.
“Các bộ đều báo cáo đã hoàn thành mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh, nhưng việc cắt giảm có tác động thực chất chỉ khoảng trên 40%. Việc cắt giảm các ĐKKD cũng vậy, mới chỉ có 50% số ĐKKD được các bộ, ngành rà soát, xem xét. Trong đó, khoảng 50% được bãi bỏ, sửa đổi và bổ sung. Về số ĐKKD được bãi bỏ, có những điều kiện bãi bỏ chỉ mang tính hình thức. Chất lượng việc cắt giảm ĐKKD của các ngành phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu. Bộ, ngành nào tích cực thì có kết quả tốt và ngược lại”, TS Cung nói.
Ông Đậu Anh Tuấn cho hay: Kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh về các lĩnh vực khác nhau thực hiện Nghị quyết 19/CP cho thấy, hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp không có cải thiện đáng kể.
Việc điện tử hoá các thủ tục thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội trong những năm gần đây được các doanh nghiệp đánh giá cao. Nếu như 4-5 năm trước đây vẫn có doanh nghiệp phản ánh những khó khăn khi làm thủ tục thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội, thì nay tình trạng này đã chấm dứt.