Thông báo nội dung Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đánh giá chỉ số tín nhiệm các thành viên Chính phủ tại Quốc hội vừa qua là cơ sở để các thành viên Chính phủ cố gắng hơn và cần có sự đoàn kết nhất trí cao hơn trong 2 tháng cuối của năm 2018 để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Đánh giá kết quả tình hình kinh tế 10 tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định.
CPI bình quân 10 tháng tăng 3,6%, lạm phát cơ bản tăng 1,43%. Tỉ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Xuất khẩu tăng nhanh, đạt kỷ lục khi 10 tháng đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương mức của cả năm 2017; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất siêu 6,4 tỷ USD.
Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nông nghiệp phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tăng từ 51,5 điểm tháng 9 lên 53,9 điểm vào tháng 10, thể hiện sự tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất.
Tại cuộc họp báo, với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, kết quả cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh do các Bộ thực hiện đã tăng rất mạnh so với thời điểm cuối tháng 9.
Cụ thể, đến nay, các Bộ đã trình Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (tương đương 68,2% tổng số điều kiện, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Các bộ cũng đơn giản, cắt giảm được 3.004/6.191 điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ còn nhiều mặt tồn tại, bất cập cần tiếp tục khắc phục như môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang bị tụt hạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Vấn đề nữa mà Thủ tướng lưu ý là một số mặt hàng nông sản vẫn còn giá thấp, xuất khẩu nông sản tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm như điều, cao su, hạt tiêu.
Trước những tồn tại này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành không lơ là với thành tích đạt được, kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, không để bị động bất ngờ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.