Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong khi chờ quyết sách từ OPEC+

Thị trường dầu thế giới khép lại tuần giao dịch với xu hướng trái chiều, trong đó phiên cuối tuần ngày 4/7 diễn ra trong không khí trầm lắng do kỳ nghỉ lễ tại Mỹ và tâm lý chờ đợi kết quả cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+.

Chú thích ảnh
Một nhà máy lọc dầu tại Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Chốt phiên giao dịch ngày 4/7, giá dầu Brent giảm 50 xu Mỹ (0,7%) xuống 68,30 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 50 xu Mỹ (0,75%) còn 66,50 USD/thùng. Giao dịch trong ngày diễn ra thưa thớt do kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ.

Dù vậy, tính cả tuần, giá dầu Brent vẫn tăng khoảng 0,8% và dầu WTI tăng khoảng 1,5% so với cuối tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu phục hồi và theo dõi sát chính sách sản lượng của OPEC+.

Ngày 5/7, Saudi Arabia, Nga và 6 thành viên chủ chốt khác trong OPEC+ thảo luận về sản lượng dầu thô. Các nhà phân tích dự đoán đây sẽ là đợt tăng mới nhất trong một chuỗi các đợt tăng sản lượng đang diễn ra.

Đại diện của Nhóm 8 quốc gia tự nguyện (V8) gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman sẽ tham gia cuộc họp trên dự kiến được tổ chức trực tuyến.

Các nhà phân tích dự đoán các quốc gia V8 sẽ quyết định tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày, mục tiêu tương tự đã được phê duyệt cho tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Đây sẽ là lần tăng thứ tư liên tiếp kể từ tháng 5/2025. 

Nhóm OPEC+ đã bắt đầu cắt giảm sản lượng vào năm 2022 nhằm mục đích hỗ trợ giá. Tuy nhiên, trong một sự thay đổi chính sách, nhóm V8 đã khiến thị trường bất ngờ khi tuyên bố sẽ tăng đáng kể sản lượng từ tháng 5 vừa qua, khiến giá dầu giảm mạnh.

Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank đánh giá V8 đã "tập trung vào việc giành lại thị phần hơn là ổn định giá cả".

Trong khi đó, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho rằng việc một số quốc gia thành viên OPEC, chẳng hạn như Kazakhstan và Iraq, không tuân thủ hạn ngạch sản lượng của họ, là "một yếu tố hỗ trợ cho quyết định này".

Giới phân tích cảnh báo nếu OPEC+ quyết định tăng mạnh sản lượng, cán cân cung - cầu toàn cầu trong nửa cuối năm có thể bị đảo chiều theo hướng dư cung. Ông Tamas Varga, chuyên gia tại công ty tư vấn năng lượng PVM, nhận định điều này có thể dẫn đến việc tích trữ dầu toàn cầu tăng nhanh hơn dự kiến. Cùng quan điểm, nhà phân tích Phil Flynn của công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Price Futures Group cho rằng nhà đầu tư đang tạm dừng giao dịch để chờ kết quả từ cuộc họp, đồng thời theo dõi tác động từ gói cắt giảm thuế và chi tiêu mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong báo cáo mới nhất, OPEC cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 đã tăng 1,5% (tương đương 1,49 triệu thùng/ngày) so với năm trước đó, đạt trung bình 103,84 triệu thùng/ngày.

Báo Arab News của Saudi Arabia dẫn báo cáo của OPEC cho hay nhu cầu dầu đã tăng ở hầu hết các khu vực, với mức tăng mạnh nhất được ghi nhận ở các nước châu Á không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp đến là Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh và các nước châu Âu thuộc OECD. Nhu cầu dầu của các quốc gia thành viên OPEC trong năm 2024 đã tăng 0,12 triệu thùng/ngày (1,3%) so với năm 2023.

Tuy nhiên, theo OPEC, tổng sản lượng dầu thô thế giới đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020 khi ghi nhận mức giảm 0,77 triệu thùng/ngày (1%) xuống mức trung bình 72,58 triệu thùng/ngày vào năm 2024. OPEC cho rằng sự sụt giảm này là do sản lượng thấp hơn từ cả các thành viên OPEC và các đối tác, còn gọi là OPEC+.

Các thành viên OPEC đã cắt giảm sản lượng 0,57 triệu thùng/ngày (2,1%), trong khi các quốc gia ngoài OPEC tham gia Tuyên bố Hợp tác với OPEC chứng kiến mức giảm mạnh hơn là 0,78 triệu thùng/ngày (5,2%). Ngược lại, sản lượng dầu thô của các quốc gia không tham gia Tuyên bố Hợp tác đã tăng 0,58 triệu thùng/ngày (1,8%).

OPEC cho biết thêm công suất lọc dầu toàn cầu năm 2024 đã tăng 1,04 triệu thùng/ngày, đạt 103,80 triệu thùng/ngày. Phần lớn mức tăng này đến từ khu vực ngoài OECD, đáng chú ý là Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

Lần đầu tiên kể từ năm 2019, công suất lọc dầu của các thành viên OPEC ghi nhận mức tăng khiêm tốn 0,16 triệu thùng/ngày. Sản lượng lọc dầu của thế giới cũng tăng nhẹ 0,52 triệu thùng/ngày (0,6%) lên 85,97 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ mức tăng ở các nền kinh tế châu Mỹ thuộc OECD và các khu vực ngoài OECD, bao gồm Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và các nước khác ở châu Á.

Trong tuần qua, giá dầu cũng phản ứng mạnh với các thông tin chính trị. Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 2/7 ghi nhận mức tăng vọt tới 3% sau khi Iran đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), làm dấy lên lo ngại rủi ro địa chính trị. Giá dầu Brent tăng 2 USD lên 69,11 USD/thùng, còn WTI tăng 2 USD lên 67,45 USD/thùng.

Tuy nhiên, đà tăng giá dầu bị hạn chế bởi báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ nội địa của Mỹ tăng mạnh 3,8 triệu thùng lên 419 triệu thùng, trái ngược với kỳ vọng giảm 1,8 triệu thùng. Ngoài ra, nhu cầu xăng trong tuần trước cũng giảm xuống 8,6 triệu thùng/ngày - thấp hơn ngưỡng lý tưởng 9 triệu thùng/ngày cho mùa hè - khiến giới phân tích lo ngại về triển vọng tiêu thụ yếu trong mùa di chuyển cao điểm.

Cũng trong tuần này, ngân hàng Barclays nâng dự báo giá dầu Brent thêm 6 USD, lên mức trung bình 72 USD/thùng trong năm 2025, dựa trên triển vọng nhu cầu cải thiện.

Tâm điểm thị trường lúc này là quyết định cuối cùng của OPEC+ về sản lượng, dự kiến được công bố vào ngày 6/7. Quyết sách này được cho là sẽ định hình xu hướng giá dầu thế giới trong các tuần tiếp theo.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)
Giá vàng thế giới tăng tuần thứ hai liên tiếp
Giá vàng thế giới tăng tuần thứ hai liên tiếp

Giá vàng thế giới ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh đồng USD giảm giá và lo ngại gia tăng về tình hình tài khóa cũng như chính sách thương mại của Mỹ, thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN