Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin về dòng vốn ngoại

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động do chịu sự tác động từ thị trường chứng khoán thế giới và châu Á, nhưng vẫn đạt được một số kết quả khả quan.

Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng với 38.752 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 1.788 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Tính chung 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 40.539 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Dòng tiền gián tiếp mua ròng từ ngày 1/6 - 26/6 ước đạt 34 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 26/6, dòng tiền mùa ròng ước đạt 2,28 tỷ USD. Về giá trị danh mục cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, tính đến ngày 26/6 đạt 35,7 tỷ USD.

Mặc dù thị trường cơ sở đang trong xu hướng giảm điểm, nhưng giá trị giao dịch phái sinh trong tháng 6 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng khối lượng giao dịch đạt 1.983.614 hợp đồng, với tổng giá trị giao dịch tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 193.371 tỷ đồng. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư.

Trước đó, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ với báo chí rằng, thực tế dòng chảy của vốn ngoại vẫn âm thầm chọn những địa chỉ tiềm năng để ở lại. Tính tổng thể, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài chưa rút khỏi Việt Nam như nhiều thị trường mới nổi và trong khu vực.

"Dòng vốn quan trọng này vẫn vào – ra hàng ngày theo các kênh khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp), nhưng tựu trung lại vẫn đang “vào nhiều hơn ra”. Chính vì vậy, vẫn có thể có kỳ vọng tích cực đối với dòng vốn ngoại, bởi tiền đang ở lại thị trường và chờ thời cơ thích hợp để giải ngân. Điều này được chứng minh qua số dư về tiền mặt của các quỹ, theo quan sát, con số này vẫn đang tương đối cao", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong thời gian này có nhiều giao dịch mua thỏa thuận lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay khối ngoại đã bỏ vốn vào các đợt bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp nhà nước cuối 2017 và đầu 2018 như: Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power...., cũng như tập trung vào các cổ phiếu mới lên sàn (Vinhomes, Techcombank, Vincom Retail…).

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, mặc dù khối ngoại có xu hướng bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng trên thị trường trái phiếu vẫn đang mua ròng.

“Dù vậy, không thể chủ quan với diễn biến kinh tế, tiền tệ, thương mại như hiện nay. Việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và căng thẳng thương mại leo thang là hai yếu tố rất quan trọng cần được bám sát và có nhiều giải pháp để chủ động nắm bắt, cũng như ứng xử trong mọi trường hợp có thể xảy ra”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị.

Tác động từ quy luật “lãi suất tăng, chứng khoán giảm” tới xu hướng rút về của dòng vốn ngoại trên toàn cầu là khó tránh khỏi và Việt Nam ít hay nhiều cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tuy nhiên, nguyên tắc dòng tiền sẽ không bao giờ đứng yên, nếu có cũng chỉ có thể là tạm thời co cụm hoặc bảo toàn vốn để tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới hiệu quả hơn. Do vậy, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và tiềm năng để thu hút vốn ngoại, vấn đề là làm thế nào để phát huy được lợi thế so sánh đó.

Với tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo đạt tối thiểu 6,5% trong giai đoạn 2018 - 2020; những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, quyết tâm thực hiện các đợt thoái vốn nhà nước, IPO doanh nghiệp nhà nước và niêm yết các doanh nghiệp lớn, chất lượng... thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều hấp dẫn giúp thu hút mạnh dòng các dòng vốn tham gia, đặc biệt là dòng vốn ngoại.

Nếu nhìn trên bình diện khách quan, Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước trong khu vực và các thị trường chứng khoán thế giới. Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đã, đang gia tăng và gần đây nhất, dòng vốn từ Thái, Malaysia cũng đang đến Việt Nam.
 

“Bên cạnh các chính sách kinh tế hợp lý và ổn định của Chính phủ, cần đưa thông tin đầy đủ và chính xác đối với các diễn biến của thị trường về kinh tế vĩ mô, hiện trạng hoạt động của khu vực doanh nghiệp niêm yết trên thị trường để nhà đầu tư yên tâm trong các quyết định đầu tư tại Việt Nam”, ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh.
 
Văn Giáp (TTXVN)
Thị trường chứng khoán phái sinh lập nhiều kỷ lục mới
Thị trường chứng khoán phái sinh lập nhiều kỷ lục mới

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán phái sinh trong tháng 2 lập nhiều kỷ lục mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN