Giá dầu châu Á nối dài đà giảm trong phiên 16/3

Giá dầu châu Á nới rộng đà giảm trong phiên 16/3 giữa bối cảnh động thái giảm lãi suất về gần mức 0% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/3 không đủ sức xoa dịu các thị trường tài chính toàn cầu đang hoảng loạn bởi sự lây lan của dịch COVID-19 và làm gia tăng các gián đoạn trong hoạt động kinh tế.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào sáng 16/3 giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,83 USD xuống 32,02 USD/thùng, nối dài đà giảm hơn 20% trong tuần trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 1,53 USD xuống 30,2 USD/thùng sau khi có lúc xuyên ngưỡng 30 USD/thùng, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết bơm đầy kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ.

Các thị trường dầu đang chịu sức ép gia tăng từ cả lo ngại về nhu cầu đối với dầu khi dịch bệnh lây lan và tình trạng dư cung sau khi Saudi Arabia tăng sản lượng và giảm giá "vàng đen" để gia tăng lượng dầu bán cho các khách hàng tại châu Á và châu Âu.

Chiến lược gia trưởng về thị trường Michael McCarthy tại CMC Markets tại Sydney nhận định, giữa bối cảnh các chính phủ trên toàn cầu đẩy mạnh nỗ lực để khống chế và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, các nhà giao dịch còn phải để ý đến ứng phó của các ngân hàng trung ương. Song theo chuyên gia này, các biến động trên thị trường cho thấy hoạt động giao dịch sẽ còn gặp khó trong thời gian sắp tới.

Fed ngày 15/3 thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan trên toàn nước Mỹ. Theo đó, Fed giảm lãi suất xuống biên độ mục tiêu từ 0% đến 0,25%. Ngân hàng trung ương Mỹ trong thông báo cho biết tác động của dịch COVID-19 sẽ "ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế".

K.Dung (TTXVN)
Nguy cơ nổ ra cuộc chiến giá dầu mới
Nguy cơ nổ ra cuộc chiến giá dầu mới

Thị trường dầu mỏ thế giới đang chứng kiến giai đoạn bước ngoặt rất quan trọng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những đối tác chủ chốt, dẫn đầu là Nga, không thể đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung hơn nữa, trong khi thỏa thuận cũ sẽ chính thức hết hạn vào cuối tháng 3 này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN