Paralympic Việt Nam vươn tầm thế giới

“Quá xuất sắc, vận động viên khuyết tật Việt Nam tàn nhưng không phế” là lời khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

“Quá xuất sắc, vận động viên khuyết tật Việt Nam tàn nhưng không phế” là lời khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Bích Thắng, khi đánh giá về thành tích mà đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam vừa giành được tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật trên toàn thế giới – Paralympic Rio 2016 đang diễn ra tại Brazil.


Với đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam, đây là niềm tự hào lớn lao bởi đây là lần đầu tiên vận động viên khuyết tật Việt Nam chạm vào huy chương Vàng - thành tích cao nhất tại một kỳ Thế vận hội lớn nhất dành cho người khuyết tật.


Niềm vui của vận động viên Lê Văn Công sau khi hoàn thành nội dung cử tạ nam hạng 49 kg tại Paralympic 2016. Ảnh: THX/TTXVN

Chặng đường chông gai


Tại các kỳ Đại hội Thể thao người khuyết tật khu vực, châu lục và quốc tế trước đây, có thể thấy trong khu vực Đông Nam Á, Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã khẳng định vị trí tốp 3 của mình. Ở đấu trường châu lục, thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng luôn đứng thứ 12 toàn đoàn trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, tại các kỳ Thế vận hội gần đây, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với chủ trương giao lưu, học hỏi và cọ xát. Cả 2 lần tham dự Thế vận hội tại Bắc Kinh (Trung Quốc năm 2008) và London (Anh năm 2012), thể thao người khuyết tật Việt Nam đều chỉ giành 4 giải hạng tư.


Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng, trước đây kinh phí để hỗ trợ các vận động viên khuyết tật đi thi đấu ở nước ngoài, cũng như để phát triển phong trào vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, với quan điểm việc đi thi đấu chỉ để giúp vận động viên cọ xát và tích lũy kinh nghiệm nên ngành không đặt nặng vấn đề thành tích cho vận động viên. "Việc giúp các vận động viên tích luỹ kinh nghiệm qua các kỳ Đại hội trong khu vực và châu lục để làm bàn đạp cho các kỳ Thế vận hội sau này chính là chủ trương đúng và trúng của ngành thể thao nước nhà, để thể thao khuyết tật Việt Nam có thành tích cao ở kỳ Thế vận hội này", ông Vương Bích Thắng chia sẻ.


Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam nhận định, trải qua các lần tham dự Thế vận hội Paralympic, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã từng bước phát triển, với chất lượng chuyên môn của các vận động viên ngày càng được nâng cao rõ rệt. Thông qua những lần thi đấu cọ xát, vận động viên cũng trưởng thành hơn về mọi mặt, ổn định tâm lý khi thi đấu, cũng như kinh nghiệm trau dồi kỹ thuật chuyên môn.


Mang "Vàng" về cho Tổ quốc


Vẫn như thông lệ, 4 năm 1 lần, Thế vận hội dành cho người khuyết tật tiếp tục diễn ra với sự tham dự của các vận động viên đẳng cấp nhất thế giới hội tụ. Năm 2016, Thế vận hội diễn ra trên sân vận động Maracana tại Rio - Brazil, với sự tham gia của 4.350 vận động viên thuộc 164 đoàn thể thao trên khắp thế giới. Tại Olympic Rio 2016 lần này, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 10 vận động viên, thi đấu ở 3 môn bao gồm: Điền kinh, Bơi lội và Cử tạ.


Theo ông Vũ Thế Phiệt, đây là lực lượng vận động viên "vàng" của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Lần tham dự này, các vận động viên không còn ở trạng thái thi đấu cọ xát, học hỏi. Tuổi đời còn trẻ, cùng những tố chất thể thao vốn có và cả niềm đam mê và những kinh nghiệm đã được tích lũy, các vận động viên Việt Nam hoàn toàn tự tin tranh chấp giành thành tích và có huy chương tại Thế vận hội này.


Đúng như nhận định, đến thời điểm này, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic Rio 2016 đã xuất sắc giành được tổng cộng 4 huy chương. Trong đó có 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng. Đặc biết là tấm huy chương Vàng lịch sử của lực sỹ Lê Văn Công ở môn cử tạ với mức nâng 183kg, đã mang vinh quang về cho Tổ quốc nói chung và ngành thể dục thể thao nước nhà nói riêng.


Ngay sau khi có được những tấm huy chương quý giá này, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã nhận được thư chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng những lời động viên của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, cùng hàng triệu người hâm mộ thể thao trong cả nước.


Ông Vũ Thế Phiệt phấn khởi cho biết, tiếp nối những thành công trong năm 2016, Hiệp hội Paralympic Việt Nam tiếp tục thực hiện Quyết định 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa phong trào tập luyện thể thao cho người khuyết tật tại các địa phương. 


Đối với những địa phương chưa có Câu lạc bộ Thể thao dành cho người khuyết tật, Hiệp hội cố gắng giúp đỡ các địa phương thành lập được câu lạc bộ tại địa phương, tạo điều kiện cho người khuyết tật được tập luyện nâng cao thể lực, cải thiện đời sống tinh thần, từ đó giúp họ hòa nhập với cộng đồng xã hội.


Đối với những vận động viên giành thành tích cao tại các kỳ Đại hội, đặc biệt là kỳ Thế vận hội lần này, Hiệp hội tiếp tục đầu tư, bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn để cống hiến cho nền thể thao nước nhà, mang vinh quang về cho Tổ quốc.


Nguyễn Quốc Trị (TTXVN)
Paralympic 2016 - Ngọn lửa nghị lực hướng đến Tokyo
Paralympic 2016 - Ngọn lửa nghị lực hướng đến Tokyo

Khởi động với màn pháo hoa hoành tráng, lễ bế mạc Paralympic 2016 chính thức được tổ chức tại sân vận động Maracana ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN