Theo kênh RT (Nga), tuy cuộc chiến giá dầu mới vẫn chưa được đề cập nhiều nhưng một số nước đã chán nản với việc phải kiềm chế khai thác để đối trọng với tình trạng khai thác “quá độ” của một số quốc gia khác.
Ngoài ra, những nhà nhập khẩu dầu hàng đầu ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đã nhận được nhiều lợi thế từ việc giá dầu giảm và tích trữ “vàng đen”. Hiện nay hầu hết các nhà nhập khẩu dầu châu Á đều “hài lòng” với lượng dữ trữ được, dự báo về viễn cảnh nhu cầu dầu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.
Lượng dự trữ dầu trên toàn cầu vẫn khá cao trong khi đó các nhà giao dịch quốc tế lại băn khoăn về động thái của OPEC+ đưa thêm dầu vào thị trường. Mức thống nhất giảm 10 triệu thùng/ngày có hiệu lực từ tháng 5/2020 sẽ thay đổi và đến tháng 1/2021 sẽ giảm chỉ 6 triệu thùng/ngày.
Đây là thời điểm nhiều lo lắng đối với “hai kiến trúc sư hàng đầu” của thỏa thuận OPEC+. Một số nhà phân tích cho rằng Nga và Saudi Arabia đang rơi vào tình huống mà bất kể động thái nào của hai nước cũng có thể chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Giá dầu đang ở mức thấp, khó duy trì được chiến lược của cả Riyadh và Moscow.
Tập đoàn dầu mỏ hàng đầu của Saudi Arabia là Aramco đang chịu tác động mạnh từ giá dầu thấp và đã phải tạm ngưng nhiều dự án mới. Bên cạnh đó, Aramco còn chịu gánh nặng tài chính khi đảm nhận trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho các dự án thuộc Tầm nhìn Saudi 2030. Việc đa dạng kinh tế tránh phụ thuộc vào dầu mỏ là cần thiết, tuy nhiên nếu thiếu kinh phí, các dự án sẽ bị trì hoãn.
Sự quan tâm của quốc tế với trái phiếu chính phủ của Saudi Arabia và Nga cũng ở mức báo động. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết vào ngày 9/10, giá trái phiếu chính phủ Nga dự kiến đáo hạn vào tháng 6/2047 và tháng 9/2043 đã giảm lần lượt 0,5% và 0,7% khi mua với đồng USD.
Chuyên gia Cyril Widdershoven nhận định trên trang oilprice.com rằng với tình hình khó có đột phá, nhiều khả năng Nga và Saudi Arabia buộc phải chọn những con đường khác biệt. Với áp lực tài chính nội địa từ tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt ở nhóm thanh niên, thì các lãnh đạo ở Trung Đông sẽ phải ra quyết định riêng và trong trường hợp hợp tác không đem lại “phần thưởng cần thiết” thì “chiến tranh giá dầu” có nguy cơ xảy ra.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Nga ngày 6/3 đã không ủng hộ kế hoạch của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về giảm khai thác ở thời điểm nhu cầu dầu mỏ giảm do dịch COVID-19. Saudi Arabia đáp trả Nga bằng việc giảm giá dầu và cam kết tăng sản lượng. “Cuộc chiến giá dầu” này ngay lập tức gây ra tình trạng “vàng đen” xuống dốc buộc Saudi Arabia, Iraq, Nigeria và một số quốc gia khác cân nhắc giảm ngân sách.
Đến tháng 4, Nga và Saudi Arabia giải quyết bất đồng bằng việc cùng 23 quốc gia khác giảm 10% khai thác và thỏa thuận được kéo dài đến 6/6. Tờ Wall Street Journal cho biết giá dầu đã thoát khỏi mức “chạm đáy” kể từ tháng 4 nhưng vẫn khá thấp.