Thế giới tuần qua: Giá dầu thô rớt xuống mức âm; một số nước nới lỏng biện pháp hạn chế

Giá dầu thô thế giới giảm sốc xuống mức âm và một số quốc gia dần nới lỏng các biện pháp hạn chế bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tiếp tục lây lan là hai sự kiện đáng chú ý trong tuần.

Cú sốc giá dầu

Chú thích ảnh
Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/4 đã đi vào lịch sử thế giới khi giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas) kỳ hạn giao tháng 5 của Mỹ lần đầu tiên giảm xuống mức -37,63 USD/thùng. Điều này đồng nghĩa với việc các thương nhân sẵn sàng trả tiền để khách hàng mua dầu. Sau đó một ngày, giá dầu thô Brent Biển Bắc cũng lần đầu tiên trong hai thập kỷ giảm xuống dưới mức 19 USD/thùng.

Mặc dù sau ngày lao dốc lịch sử, giá dầu thế giới đi lên 3 phiên liên tiếp, song các nhà phân tích vẫn lo ngại áp lực giảm giá sẽ diễn ra trong nhiều tuần hoặc lâu hơn cho đến khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và kinh tế tăng trưởng trở lại. “Áp lực giảm giá vẫn còn rất lớn”, bà Vandana Hari – Giám đốc điều hành công ty thị trường năng lượng toàn cầu Vanda Insights tại Singapore – nhận định. Theo báo cáo tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự báo nhu cầu dầu thế giới có thể giảm kỷ lục tới 9,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020.

Giới phân tích cho rằng trước tình hình giá dầu lao dốc thẳng đứng, nhiều công ty dầu mỏ Mỹ có nguy cơ phá sản. Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cho biết nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, đến cuối năm 2021, sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản. 

Một trong những nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc thê thảm là do thị trường dầu mỏ tại Mỹ đang dư thừa. “Không ai muốn nhận dầu trong tháng tới vì không có chỗ chứa”, bà Rachel Winter - Giám đốc đầu tư công ty bán lẻ Killik & Co – cho biết.

Hai tháng qua, dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa nền kinh tế. Nhiều chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Các biện pháp này đã tạo ra cú sốc lớn đối với thị trường năng lượng vì nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới giảm mạnh. Hàng trăm triệu thùng dầu đã phải chuyển vào các kho chứa. Lần đầu tiên trong lịch sử, 160 triệu thùng dầu đang phải nằm trên các tàu chở dầu trên khắp thế giới để chờ được trút ra.

Phản ứng trước tình trạng hỗn loạn của thị trường dầu thô, ngày 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị cho chính quyền của ông đưa ra một kế hoạch nhằm hỗ trợ cho các công ty dầu mỏ Mỹ. Ngoài ra, nhà lãnh đạo khẳng định rằng Mỹ đang xem xét bổ sung 75 triệu thùng dầu vào Kho dự trữ chiến lược (SPR), tận dụng giá dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục. 

Các nước thận trọng nới lỏng hạn chế

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng ngừa dịch COVID-19 tại Milan, Italy ngày 18/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của Worldometers.info, tính đến 17h ngày 25/4, thế giới ghi nhận trên 2,8 triệu người mắc bệnh, trong đó có trên 197.000 ca tử vong. Tại các ổ dịch, COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh, khiến việc kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số quốc gia đã bắt đầu từng bước mở cửa trở lại, với tinh thần hoàn toàn thận trọng, đảm bảo an toàn ở nơi công cộng.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 toàn cầu cả về số ca nhiễm và ca tử vong, với tổng số ca nhiễm tính đến chiều 25/5 là trên 925.000 người và số ca tử vong trên 52.000 người. 

Ngày 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã ký sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư, một động thái nhằm giúp bảo vệ việc làm của người dân Mỹ trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh COVID-19 khiến trên 26 triệu người thất nghiệp. Sắc lệnh này có thời hạn trong 60 ngày và sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất đến những người đang nộp hồ sơ xin thẻ thường trú, hoặc thẻ xanh, ngoại trừ những người làm trong ngành chăm sóc sức khỏe. 

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã ký thông qua gói cứu trợ kinh tế Mỹ trị giá 484 tỷ USD dành cho doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện.

Các quốc gia châu Âu có những diễn biến tích cực tại các điểm nóng. Tây Ban Nha ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày giảm từ 20% xuống còn 2%. Italy có số ca hồi phục là 60.000 người.

Từ đầu tuần này, một số quốc gia đã cho mở lại từng bước các hoạt động kinh tế, dựa theo các quy định rõ ràng, trong đó điều kiện đầu tiên vẫn là duy trì giãn cách xã hội.

Cụ thể, Tây Ban Nha thông báo trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà. Người dân tại Cộng hòa Séc giờ có thể đến mua sắm tại các cửa hàng, chơi tennis và bơi lội, trong khi người dân Italy có thể tới tiệm sách, tiệm giặt là. Học sinh các cấp từ mẫu giáo tại Đan Mạch đã quay trở lại lớp học và nước này sẽ cho phép tụ tập công cộng không quá 500 người từ ngày 10/5 tới. Từ ngày 20/4, các cửa hàng có diện tích không quá 800 m2 tại Đức được phép hoạt động trở lại. Chính phủ Ba Lan cho phép người dân đi lại trong công viên.

Tại châu Á, trong tuần qua, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc và Hàn Quốc đều ở mức thấp. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ghi nhận tình trạng tái bùng phát dịch tại một số địa phương và mới đây đã phải phong tỏa thành phố Cáp Nhĩ Tân trên 10 triệu dân. Tại Hàn Quốc, chính phủ đã công bố nội dung hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường. 

Với những diễn biến dịch ngày càng nghiêm trọng, giới chuyên gia lo ngại Đông Nam Á có thể trở thành điểm nóng dịch bệnh.

Cụ thể, tính đến chiều 25/4, số người mắc COVID-19 tại vùng dịch lớn nhất Singapore là 12.693 ca, trong đó có 12 người tử vong. Chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 4 tuần tới ngày 1/6, đồng thời triển khai thêm một loạt biện pháp mạnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/4.

So với số liệu ngày 24/4, Indonesia ghi nhận thêm 436 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện, và 42 ca tử vong. 

Tại Philippines, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là 7.294 ca, trong đó có 494 người tử vong. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các tỉnh có nguy cơ cao trên đảo Luzon thêm 2 tuần cho đến ngày 15/5. 

Trong khi đó, Malaysia cũng chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng ở mức hai con số trong ngày thứ 8 liên tiếp. Tổng số người mắc bệnh ở nước này tính đến chiều 25/4 là 5.742, trong đó có 98 ca tử vong.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Hàn Quốc hướng dẫn giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường
Hàn Quốc hướng dẫn giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 24/4, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố nội dung hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường, bao phủ 31 lĩnh vực khác nhau từ công việc đến sinh hoạt hằng ngày và các hoạt động vui chơi giải trí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN