Xyri thông qua hiến pháp mới

Đài truyền hình quốc gia Xyri tối 27/2 đưa tin, trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 26/2 vừa qua, khoảng 89,4% số cử tri của quốc gia Trung Đông này đã bỏ phiếu tán thành bản dự thảo Hiến pháp mới do Tổng thống Bashar al-Assad đề xuất.

Thông tin về kết quả trưng cầu dân ý đã được Bộ trưởng Nội vụ Xyri Mohammad Ibrahim al-Shaar công bố. Theo Bộ trưởng al-Shaar, “số cử tri ủng hộ Hiến pháp mới là 7.490.319 người, tương đương với 89,4% tổng số cử tri. Trong khi đó, số cử tri không đồng ý là 753.208 người, tương đương 9% tổng số cử tri. Số phiếu không hợp lệ là 132.920, tương đương 1,6% tổng số cử tri”.



Cử tri Xyri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới tại một địa điểm bầu cử ở Damascus. Ảnh: AFP/TTXVN



Những cải cách Hiến pháp nằm trong nỗ lực của Tổng thống al-Assad nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình và bạo lực kéo dài 11 tháng qua ở nước này. Hiến pháp mới qui định Tổng thống Xyri được bầu trực tiếp, sẽ cầm quyền tối đa trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 7 năm. Tổng thống al-Assad trước đó đã cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 90 ngày nếu như cử tri Xyri thông qua bản Hiến pháp này. Báo chí Xyri cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã phản ánh quyết tâm thực hiện các chương trình cải cách của người dân. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng bản Hiến pháp chưa bao gồm đầy đủ những sửa đổi cần thiết. Cả các phe phái đối lập tại Xyri lẫn phương Tây đều bác bỏ những đề xuất cải cách của Tổng thống al-Assad và cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý là giả dối.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố giữa lúc các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Xyri, trong đó có việc phong tỏa các tài sản của Ngân hàng Trung ương Xyri, cấm nhập cảnh đối với 7 nhân vật thân cận với Tổng thống al-Assad, cấm các chuyến bay chở hàng hóa của Xyri tới các nước thuộc EU và hạn chế buôn bán vàng cùng các kim loại quý với quốc gia Trung Đông này.

Trong khi phương Tây đang tìm mọi cách để trừng phạt và cô lập chính quyền Xyri, Nga cùng Trung Quốc tiếp tục lên án mạnh mẽ sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của Xyri. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng hội nghị "Những người bạn của Xyri" diễn ra tuần trước tại Tuynidi "rõ ràng là phiến diện", không giúp tạo ra những điều kiện để khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm một giải pháp mang tính chính trị".

Trước đó, trong một bài viết trên nhật báo "Tin tức Mátxcơva" ngày 27/2, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng chỉ trích phương Tây thiếu kiên nhẫn để tìm ra được một nghị quyết "cân bằng" tại Xyri, theo đó phải yêu cầu lực lượng đối lập tại Xyri ngừng bắn và rút khỏi các điểm nóng, trong đó có thành phố Homs.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã chỉ trích phương Tây đang cố áp đặt cái gọi là "một giải pháp" lên người dân Xyri. Trung Quốc khẳng định sẵn sàng đóng một vai trò tích cực với tất cả các bên để tìm kiếm một lối thoát hòa bình cho cuộc khủng hoảng Xyri.

TTXVN/Tin Tức

"Việc vũ trang cho phiến quân Xyri có thể tiếp tay cho Al-Qaeda"
"Việc vũ trang cho phiến quân Xyri có thể tiếp tay cho Al-Qaeda"

Ngày 26/2, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy ở Xyri có thể vô tình tiếp tay cho mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và phong trào Hồi giáo Hamas mà Mỹ đã đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN