Ngày 26/2, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy ở Xyri có thể vô tình tiếp tay cho mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và phong trào Hồi giáo Hamas mà Mỹ đã đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Bà Clinton đưa ra cảnh báo trên trong chuyến thăm Marốc, trong bối cảnh một số quan chức Mỹ bày tỏ ủng hộ các lực lượng nổi dậy ở Xyri lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, và nhiều nghị sĩ cấp cao trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng đã đến lúc tính tới việc trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy ở Xyri. Theo Ngoại trưởng Mỹ, các thủ lĩnh của Al - Qaeda và Hamas cũng đã tuyên bố ủng hộ các lực lượng nổi dậy ở Xyri, vì vậy việc Mỹ trang bị vũ khí cho các lực lượng này cũng có thể có nghĩa là ủng hộ Al - Qaeda và Hamas.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy ở Xyri có thể vô tình tiếp tay cho mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và phong trào Hồi giáo Hamas. Ảnh: Internet |
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhận định phe đối lập tại Xyri hiện chưa phải là một lực lượng thống nhất giống như lực lượng chống đối trước đây tại Libi nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Theo bà Clinton, phe đối lập trước đây tại Libi do Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) đứng đầu đặt trụ sở tại thành phố Benghazi, vì vậy có "địa chỉ cụ thể" để phương Tây cung cấp các hỗ trợ, trong khi Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) hiện nay chưa thống nhất và cũng không có một trụ sở chính. Tuy nhiên, bà cho biết Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để gây sức ép với chính quyền của Tổng thống Assad.
Cùng ngày, một số thành viên cấp cao trong SNC đã tách khỏi hội đồng để thành lập một nhóm riêng mang tên Nhóm Yêu nước Xyri (SPG), do ông Haitham al-Maleh làm trưởng nhóm. Động thái này cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng nhất trong phe đối lập kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Xyri. Trong một tuyên bố đưa ra tại Tuynít (Tuynidi), SPG - gồm ít nhất 20 thành viên trong đó có cả người Hồi giáo và thế tục - cho biết nhóm này thành lập để thúc đẩy thực hiện mục đích của phe đối lập, vì kể từ khi SNC được thành lập hồi năm 2011 đến nay, hội đồng này chưa đạt được kết quả nào đáng hài lòng, cũng như chưa đáp ứng được nguyện vọng nào của phe đối lập.
Trong khi đó, SNC có động thái chìa tay với cộng đồng người Alawite thiểu số của Tổng thống Assad. Một tuyên bố của SNC ngày 26/2 khẳng định "người Alawite vẫn là một thành phần quan trọng trong xã hội Xyri, và sẽ tiếp tục được hưởng mọi quyền lợi giống như các công dân khác khi chúng ta xây dựng một nhà nước của người Hồi giáo, Cơ đốc giáo và các tôn giáo khác". Tuyên bố nêu rõ "đây là biểu hiện đầu tiên của sự thống nhất dân tộc hướng tới xây dựng một quốc gia pháp trị và dân chủ".
Trước đó, tại Hội nghị "Những người bạn của Xyri", các đại biểu từ hơn 60 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự đã nhất trí công nhận SNC là "đại diện hợp pháp" của nhân dân Xyri. Tuy nhiên, Libăng ngày 26/2 tuyên bố không công nhận SNC, đồng thời nhấn mạnh đối thoại là phương thức duy nhất để chấm dứt khủng hoảng chính trị tại Xyri. Theo Ngoại trưởng Libbăng Adnan Mansour, Chính phủ Xyri đã đạt tiến triển trong việc thực thi cải cách, mà bằng chứng mới nhất là cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới diễn ra ngày 26/2, và Libăng sẽ bị tổn hại ở nhiều cấp độ khác nhau nếu thực hiện các biện pháp trừng phạt quốc gia láng giềng lớn nhất của mình.
Cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới là nỗ lực cải cách mới nhất của Chính phủ Xyri kể từ khi làn sóng biểu tình đẫm máu bùng nổ hồi tháng 3/2011. Bộ Nội vụ Xyri xác nhận bạo lực đã làm gián đoạn hoạt động bỏ phiếu ở một số địa điểm, song cho biết cuộc bỏ phiếu diễn ra bình thường tại đa số các tỉnh thành trên cả nước.
Theo các nhà hoạt động xã hội, ít nhất 34 dân thường đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại điểm nóng Homs. Trong khi đó, hãng thông tấn SANA cho biết ít nhất 7 nhân viên an ninh đã thiệt mạng trong vụ tấn công của một nhóm vũ trang tại một chốt kiểm soát ở ngoại ô thủ đô Đamát.
Tại tỉnh Idlib (miền Bắc Xyri), các đơn vị kỹ thuật đã tháo ngòi 6 khối chất nổ nặng từ 40 - 50 kg. Homs và Idlib là hai điểm nóng trong làn sóng nổi dậy chống chính quyền ở Xyri hiện nay. Chính phủ Xyri cáo buộc các phần tử khủng bố và các băng nhóm vũ trang được sự hỗ trợ của bên ngoài gây ra bạo lực thời gian qua làm hơn 2.000 nhân viên an ninh và binh lính thiệt mạng. Theo số liệu của LHQ, khoảng 6.000 người đã thiệt mạng trong những tháng biểu tình vừa qua ở Xyri.
TTXVN/Tin Tức