Động thái này đã đưa Vermont trở thành bang đầu tiên ở Mỹ thực hiện chính sách dán nhãn thực phẩm GMO, có thể mở ra một cuộc cách mạng nhận thức về GMO ở đất nước mà phần lớn người dân đã sử dụng thực phẩm GMO hàng chục năm qua, nhưng chưa quan tâm đúng mức tới tác hại của loại thực phẩm này. Tuy nhiên, câu chuyện về thái độ đối với thực phẩm GMO lại hoàn toàn khác ở châu Âu hay Nhật Bản.
Vẫn còn tranh cãi về GMOTại Mỹ, ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng thực phẩm GMO. Họ yêu cầu được biết có những chất gì chứa trong thực phẩm sử dụng. Trong khi đó, một số nhà sản xuất trong ngành công nghệ sinh học lại phản bác, cho rằng việc dán nhãn thực phẩm sẽ là một quá trình lâu dài và tốn kém, không mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn khách hàng.
Thực phẩm được dán nhãn “không có nguyên liệu biến đổi gen” lên bao bì. |
Liên minh vì thực phẩm giá cả phải chăng an toàn (một trong những tổ chức kiên quyết phản đối việc bắt buộc dán nhãn thực phẩm GMO) ước tính quy định này sẽ làm chi phí thực phẩm mỗi gia đình tăng thêm trên 1.050 USD/năm. Người phát ngôn của Liên minh, bà Claire Parker tuyên bố: “Thượng viện đang làm một việc hết sức nguy hiểm khi cố áp đặt quy định dán nhãn thực phẩm cho một quốc gia với hơn 300 triệu dân. Trong bang nhỏ Vermont có 600.000 người dân, chuyện này có thể đơn giản, nhưng đối với một quốc gia rộng lớn như Mỹ, mọi thứ trở nên phức tạp và đắt đỏ”.
Theo báo cáo của tổ chức lao động môi trường, chỉ trong năm 2015, các công ty sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đã tốn 101 triệu USD “vận động hành lang” phản đối quy định dán nhãn thực phẩm GMO. Trong khi đó, Hiệp hội Sản xuất thực phẩm (GMA) vẫn đang tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên tòa án liên bang, nhằm ngăn chặn điều luật của bang Vermont có hiệu lực.
Động vật bị dị tật sau khi ăn thực phẩm GMO. |
Monsanto (một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Mỹ sản xuất sản phẩm GMO) cho biết nếu xét về mặt dinh dưỡng, mùi vị và hương vị, thực phẩm GMO hoàn toàn giống với thực phẩm cùng loại không chứa GMO. Người phát ngôn của Monsanto, bà Christi Dixon giải thích: “Hàng ngàn nghiên cứu từ thập niên 1980 của các nhóm khoa học nổi tiếng uy tín của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội dược phẩm Mỹ, Viện khoa học quốc gia Hoa Kỳ…, chưa từng phát hiện trường hợp thực phẩm GMO gây ra các vấn đề sức khỏe”.
Theo bà Dixon, các nhà khoa học đã kết luận thực phẩm GMO không gây ra bất kỳ nguy cơ nào đe dọa sức khỏe con người, động vật hay môi trường. Bên cạnh đó, những nhà sản xuất theo phe ủng hộ thực phẩm GMO còn cho rằng cây trồng biến đổi gen góp phần to lớn giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng hiện nay trên thế giới, đồng thời hạn chế bớt tác hại của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... đối với môi trường.
Không cùng suy nghĩ với các nhà sản xuất thuộc ngành công nghệ sinh học, một số công ty thực phẩm lớn tại Mỹ đã bắt tay lên kế hoạch tự nguyện dán nhãn sản phẩm GMO không chỉ trong một quy mô một bang nhỏ mà trên toàn quốc. General Mills, Mars, Kellogg và ConAgra Foods sẽ là những nhà sản xuất lớn đầu tiên dán nhãn phân biệt thực phẩm GMO lên bao bì sản phẩm.
GMO được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng, động vật chuyển gen, thực phẩm công nghệ sinh học. |
Trả lời phỏng vấn tờ HuffPost, người phát ngôn của Công ty thực phẩm Mars, ông Edward Hoover cho biết Mars đang thảo luận để sửa đổi, điều chỉnh quy định dán nhãn lên các sản phẩm phân phối trên toàn thị trường Mỹ. Theo ông Hoover, quyết định này là “lời hồi đáp của công ty đối với những khách hàng có mong muốn biết được các nguyên liệu biến đổi gien được sử dụng trong sản phẩm”. Phó giám đốc điều hành công ty General Mills, ông Jeff Harmening khẳng định công ty này tiếp tục ủng hộ quy định dán nhãn thực phẩm GMO áp dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, General Mills lo ngại việc dán nhãn sản phẩm cụ thể chỉ cho một bang có thể khiến công ty buộc phải tăng giá thực phẩm.
“Phần lớn người Mỹ trong hàng chục năm qua đều ăn thực phẩm GMO trong mọi bữa ăn, nhưng đến thời gian gần đây, họ đã bắt đầu nhận thức được tác hại của loại thực phẩm này”, Giám đốc điều hành dự án “Nói Không với GMO”, bà Megan Westgate nhận xét. Theo GMA, có đến 75% thực phẩm sản xuất tại Mỹ chứa các thành phần biến đổi gien. Phần lớn các sản phẩm GMO là các loại cây trồng như ngô, đậu nành, hạt cải làm dầu ăn, dầu hạt bông, củ cải đường.
Bà Westgate khẳng định chính ngành công nghệ sinh học là những người cần phải chịu trách nhiệm vì đã che giấu thông tin về tác hại của GMO đối với người tiêu dùng trong quá khứ. Bà dẫn chứng một số nghiên cứu trên động vật gần đây chứng minh thực phẩm biến đổi gen có thể gây ra các bệnh dị ứng, tổn hại nội tạng, dạ dày, hệ miễn dịch dẫn đến trường hợp kháng thuốc, và bệnh lí nghiêm trọng như vô sinh. Bên cạnh đó, thực phẩm GMO sẽ hủy hoại đa dạng sinh học cũng như làm mất cân bằng tự nhiên.
Châu Âu, Nhật Bản đã sớm cự tuyệt Nếu so sánh lịch sử ban hành luật pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, môi trường, từ thập niên 1960 đến giữa những năm 1980, Mỹ khẳng định nghiêm ngặt hơn châu Âu. Song mọi thứ đã đảo ngược từ sau thập niên 1980 khi các nước châu Âu thi hành một loạt các quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm, bao gồm cả quy định dán nhãn sản phẩm GMO. Chính sách dán nhãn tồn tại trong suốt 15 năm cuối thế kỷ 20 bắt nguồn từ những nghi ngờ của các nhà khoa học, kèm theo là sự không tin tưởng ngày một lớn của chính phủ. Trái lại, dường như ngành thực phẩm cũng như giới chức tại Mỹ đối với vấn đề này có phần “lỏng lẻo” trong bối cảnh kỹ thuật công nghệ ngày một tân tiến.
Vào tháng 1/2000, luật pháp EU yêu cầu dán nhãn sản phẩm chứa GMO, thậm chí loại thực phẩm đó chỉ chứa 1% thành phần biến đổi gen. Trong khi đó, dư luận tại các nước châu Âu cũng bắt đầu quan tâm đến những nguy hại mà thực phẩm có chứa GMO mang đến. Người Anh thì gọi sản phẩm GMO là thức ăn Frankenstein (lấy tên gọi của con quái vật nổi tiếng được hình thành từ phương pháp biến đổi gen), trong khi Hà Lan cũng bắt đầu nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối ngành công nghệ biến đổi gen.
Tại châu Á, Nhật Bản là nước đi tiên phong trong việc cam kết ủng hộ tối đa chiến dịch “Nói không với thực phẩm chứa GMO” từ năm 1996. Chiến dịch này kêu gọi tẩy chay các sản phẩm do các công ty chuyên biến đổi gen sản xuất cũng như thu về hơn 2 triệu chữ kí. Tokyo cũng kiên quyết cấm trồng các loại cây biến đổi gen trên toàn quốc, đồng thời dán nhãn phù hợp trên các sản phẩm chứa GMO. Với tiêu chí “dưỡng sinh bằng nguồn thực phẩm tự nhiên, lành mạnh”, gần như người Nhật và châu Âu rất có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe trước làn sóng trồng cây GMO lan rộng.