Tuy nhiên, người dân rất khó phân biệt được sản phẩm biến đổi gen và sản phẩm thường cùng chủng loại. Thậm chí, người tiêu dùng còn hiểu nhầm thực phẩm biến đổi gen có thể gây hại.
Cây trồng và thực phẩm biến đổi gen không gây hạiHiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện canh tác tại Việt Nam đối với 4 loại giống ngô biến đổi gen có hai đặc tính là kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ. Các loại ngô này được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã nhập khẩu nhiều loại sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen như ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, riêng năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 4,3 triệu tấn ngô, 3 triệu tấn đậu tương và khô dầu đậu tương để phục vụ chế biến thức ăn gia súc, chủ yếu từ các nước áp dụng phổ biến giống ngô và đậu tương chuyển gen như Mỹ, Canada, Argentina, Trung Quốc.
Ngô biến đổi gen được trồng khảo nghiệm tại huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Đinh Huệ- TTXVN |
“Ngô, đậu tương chuyển gen được nhập về chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc sử dụng đậu tương làm sữa đậu nành, đậu phụ và các sản phẩm khác”, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết,
Mặc dù cây trồng và thực phẩm biến đổi gen khá phổ biến ở các nước nhưng nhận thức của người tiêu dùng nước ta về sản phẩm biến đổi gen còn khá mù mờ, thậm chí có quan điểm thực phẩm biến đổi gen có thể gây hại cho người sử dụng. Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, lo ngại thực phẩm biến đổi gen sẽ gây bệnh hoặc làm chuyển gen trong cơ thể người là do không hiểu biết về cơ chế sinh học. “Gen không phải mầm bệnh, không phải vi khuẩn hay vi rút. Gen chỉ là một đoạn phân tử ADN mã hóa việc tổng hợp một protein nào đó. Ở ngô chuyển gen, các gen tạo nên đặc điểm kháng sâu bệnh hay chống chịu với thuốc trừ cỏ dại. Sản phẩm biến đổi gen như ngô, đậu tương để làm thực phẩm thì cũng phải qua chế biến nên không thể gây hại. Hơn nữa không thể có gen nào ở cây lại lọt sang được bộ máy di truyền của người. Ngô biến đổi gen được trồng ở Việt Nam, thực chất là được chuyển từ gen của vi khuẩn BT (Bacillus thuringiensis) vào cây ngô. Bốn loại tinh thể độc trong vi khuẩn này chỉ bị vỡ ra ở môi trường pH rất kiềm, trong khi tại đường tiêu hóa của người, gia súc, gia cầm thì lại là môi trường acid. Nếu ăn trực tiếp vi khuẩn này thì cũng sẽ an toàn vì cơ thể người sẽ đào thải loại vi khuẩn này”, GS Nguyễn Lân Dũng giải thích thêm.
Minh bạch nguồn gốc thực phẩmMặc dù không gây độc hại nhưng mới đây, tại Thông tư liên tịch số 45/2015, Bộ NN&PTNT cũng đã có quy định bắt buộc về việc dán nhãn đối với sản phẩm thực phẩm biến đổi gen được đóng gói sẵn. Theo đó, thực phẩm biến đổi gen đóng gói sẵn lưu thông tại Việt Nam có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm sẽ phải dán nhãn “biến đổi gen” trên bao bì.
Chị Thanh Hòa (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết: “Tôi hay mua đồ tại các siêu thị như Fivimart Võ Thị Sáu, Vinmart Thanh Nhàn… Tuy nhiên, từ trước tới nay chưa thấy có sản phẩm nào có dán mác biến đổi gen. Nếu có quy định bắt buộc dán nhãn thực phẩm biến đổi gen là rất tốt, giúp người tiêu dùng như chúng tôi phân biệt được nguồn gốc sản phẩm để chọn lựa.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu (Lương Yên, Hà Nội) cho biết: “Thực sự chúng tôi chưa hiểu rõ về thực phẩm biến đổi gen có lợi hay hại. Do vậy, ngoài việc dán nhãn thực phẩm biến đổi gen, các cơ quan truyền thông cần tăng cường phổ biến kiến thức để cho người dân hiểu. Khi chúng tôi hiểu thì chúng tôi mới tính tới việc sử dụng các loại thực phẩm biến đổi gen”.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Mặc dù thực phẩm biến đổi gen không gây hại nhưng quy định dán nhãn thực phẩm biến đổi gen là cần thiết nhằm công khai minh bạch nguồn gốc thực phẩm để người dân phân biệt, dễ dàng lựa chọn thực phẩm mình mong muốn.