Dù được ứng dụng từ lâu và góp phần mang lại những lợi ích kinh tế lớn tại Argentina, song thực phẩm biến đổi gen vẫn tạo ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận quốc gia Nam Mỹ này.Một cánh đồng trồng giống đậu nành biến đổi gen có khả năng kháng hạn và mặn. Ảnh: AFP |
Năm 1996, Argentina là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ biến đổi gen trong sản xuất nông nghiệp, cho ra đời các sản phẩm đậu nành, ngô và sợi bông biến đổi gen. Từ thời điểm đó, Argentina đã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm biến đổi gen và trở thành nước sở hữu các vụ mùa được áp dụng công nghệ sinh học lớn thứ ba trên thế giới, đứng sau Mỹ và Brazil.
Với việc ứng dụng công nghệ biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp, Argentina đã gặt hái được những thành tựu kinh tế to lớn. Năm 2011, sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen mang lại cho quốc gia này khoảng 72,6 tỷ USD, đồng thời tạo ra khoảng 1,8 triệu việc làm cho thị trường lao động. Trong đó, sản phẩm đậu nành biến đổi gen là ngọn cờ đầu, đóng góp 65,4 tỷ USD, và được gọi là “phép màu” cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, người dân Argentina vẫn còn hiểu biết một cách hạn chế về việc sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thực phẩm. Theo một khảo sát được thực hiện năm 2004, chỉ 39% người tham gia khảo sát biết Argentina sản xuất đậu nành biến đổi gen. 51% vẫn thích sử dụng thực phẩm không biến đổi gen, mặc dù chúng có giá bán cao hơn. Chỉ có 12% tin rằng các sản phẩm biến đổi gen mang lợi ích cho con người, trong khi có tới 51% cáo buộc các tập đoàn lớn, mà đặc biệt là tập đoàn của nước ngoài, mới là những đối tượng hưởng lợi thực sự.
Trong thời gian gần đây, tại Malvinas, thuộc tỉnh Córdoba của Argentina, đã diễn ra một số cuộc biểu tình liên quan đến sản phẩm biến đổi gen của công ty Monsanto (Mỹ). Monsanto dự định xây 240 kho hàng để chứa ngô biến đổi gen được xử lí bằng hóa chất. Lí do biểu tình của người dân là vì các cánh quạt trong ống thông khí của những kho chứa này có thể làm phát tán bụi hóa học ra môi trường và khiến người dân bị phơi nhiễm trực tiếp. Ngoài ra, một sản phẩm thuốc diệt cỏ của công ty Monsanto này cũng bị cáo buộc gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Trước đó, trong khoảng thời gian từ năm 2001 - 2002, một số cuộc khảo sát khoa học nghiên cứu việc phát tán và kiểm soát dịch bệnh đã được tiến hành tại các khu vực có sử dụng thuốc diệt cỏ mang nhãn hiệu của Monsanto. Kết quả cho thấy, tỉ lệ dị tật bẩm sinh và dị dạng ở trẻ em, ung thư, sẩy thai tại các khu vực đó cao hơn 100 lần so với tỉ lệ trung bình của cả nước. Tình trạng này diễn ra cùng thời điểm xảy ra việc tăng cường sử dụng đậu nành biến đổi gen và phun thuốc diệt cỏ gần các khu vực dân cư.
Cách đây hai năm, vào ngày 4/9/2012, một tòa án hình sự phúc thẩm của tỉnh Córdoba đã kết án một nông dân và một nhân viên phun thuốc diệt cỏ nông nghiệp cho cây đậu nành biến đổi gen. Chuyên gia y tế đã phát hiện nồng độ của hơn 5 loại thuốc diệt cỏ và côn trùng trong máu của 114/142 trẻ em sống trong khu vực.
Năm 2000, Argentina đã kí nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, nhưng vẫn chưa phê duyệt chính thức nghị định thư này. Theo nghị định thư Cartagena, các thành viên của nghị định phải hạn chế hoặc cấm nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gen nếu không có đầy đủ thông tin cần thiết hay chứng minh được sự an toàn của sản phẩm. Các quốc gia sản xuất sản phẩm biến đổi gen hàng đầu thế gới như Mỹ, Canada và Argentina vẫn chưa phê chuẩn nghị định thư này, phần lớn là do lo ngại nghị định sẽ làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản.
Anh Minh (
Tổng hợp)