Xung đột Ukraine khiến các nước Đông Âu vay nợ nhiều chưa từng có

Tại Đông Âu, tổn thất tài chính liên quan cuộc xung đột Nga – Ukraine đang ngày một nhiều khi các nước này phải trả tiền trợ cấp năng lượng, tăng cường xây dựng quân đội, chi phí ăn ở và học hành cho người tị nạn Ukraine.

Chú thích ảnh
Đông Âu có 3 quốc gia nằm trong số 5 nền kinh tế mới nổi phát hành trái phiếu ở nước ngoài nhiều nhất năm 2023. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, để có tiền trả cho những hóa đơn đó, các nước láng giềng của Ukraine đang vay nợ nhiều hơn bao giờ hết.

Cụ thể, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các chính phủ ở Đông Âu đã vay gần 32 tỷ USD chỉ trong mấy tháng từ đầu năm tới nay, gấp ba lần số tiền so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên sau hàng chục năm, ba quốc gia Đông Âu là Ba Lan (9 tỷ USD), Romania (6 tỷ USD) và Hungary (5 tỷ USD) nằm trong danh sách 5 thị trường mới nổi vay tiền hàng đầu ở nước ngoài.

Thời điểm vay tiền không thuận lợi với các nước này. Chi phí vay trên thị trường trái phiếu trở nên tốn kém hơn rất nhiều, ngay cả đối với các chính phủ có mức tín nhiệm cao như ở Đông Âu. Lý do là vì các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã nhanh chóng tăng lãi suất trong năm 2022. Ví dụ, Ba Lan đang trả 5,5% tiền lãi hàng năm cho trái phiếu mới kỳ hạn 30 năm. Hồi năm 2021, trái phiếu tương tự chỉ có lãi suất chưa đầy 4%.

Lãi suất ngày càng cao này sẽ chỉ làm thâm hụt thêm ngân sách của Đông Âu vốn đã đột ngột gia tăng do xung đột Ukraine, gây thêm áp lực lên các quan chức tài chính. Hơn nữa, nếu cuộc xung đột Ukraine kéo dài hoặc leo thang và khu vực Đông Âu thậm chí cần phải chi tiêu nhiều hơn thông qua vay nợ, thì các nhà đầu tư nước ngoài có thể không sẵn sàng đón nhận thêm trái phiếu vốn đang tràn ngập thị trường.

Có những dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã tỏ ra ngần ngại. Trái phiếu bằng đồng USD của Ba Lan đang được giao dịch với lợi suất tương đương với lợi suất trái phiếu của các quốc gia từ lâu bị đánh giá là rủi ro hơn như Philippines, Indonesia và Uruguay.

Ông Sergey Dergachev, Giám đốc bộ phận nợ doanh nghiệp thị trường mới nổi tại công ty Union Investment Privatfonds ở Frankfurt (Đức), cho biết tình hình phụ thuộc rất nhiều vào những điều khó dự đoán, như những diễn biến trên thực tế ở Ukraine. Điều đó có nghĩa là không thể phớt lờ các điều kiện tài chính đang xấu đi.

Thâm hụt ngày càng nhiều

Chú thích ảnh
Khách hàng chọn mua đồ tại siêu thị ở Budapest, Hungary ngày 1/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ước tính của các nhà phân tích, thâm hụt ngân sách của Đông Âu sẽ tăng lên tương đương 4,3% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực này trong năm nay, trong khi tỷ lệ này năm 2021 chỉ là 1,3%.

Ông Daniel Wood, nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tại công ty William Blair International, cho biết: “Cuộc xung đột ảnh hưởng đến thâm hụt tài khóa từ cả hai phía. Nó làm giảm tăng trưởng, làm giảm nguồn thu cho chính phủ. Còn về mặt chi tiêu, chính phủ cần phải giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí sinh hoạt tăng cao”.

Đông Âu xoay sang thị trường nợ nước ngoài trong bối cảnh lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Điều này cũng một phần là do xung đột Ukraine đã cắt đứt hầu hết các nguồn năng lượng của Nga đến khu vực này. Lạm phát tăng vọt lên khoảng 20% ​​ở một số quốc gia. Đây là mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua và sau đó đã khiến lãi suất ở những nước này tăng cao hơn mức tăng ở Mỹ và Tây Âu. Tại Ba Lan, nền kinh tế lớn nhất khu vực, trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện có lãi suất 6%, gấp bốn lần so với hai năm trước.

Nhưng bán trái phiếu nước ngoài gây ra một rủi ro chính vốn không tồn tại ở thị trường nội địa. Nếu các đồng tiền của khu vực Đông Âu bắt đầu sụt giá so với đồng USD, thì chi phí trả nợ của các chính phủ này sẽ tăng lên.

Ông Zoltan Kurali, Giám đốc cơ quan quản lý nợ của Hungary, nói rằng mức trần của nợ bằng ngoại tệ rẻ hơn so với vay bằng đồng forint. Ngoài ra, vay nợ giúp đa dạng hóa thành phần nhà đầu tư vì sẽ không thể huy động tất cả số tiền này trong một thị trường duy nhất.

Bộ Tài chính Ba Lan cho biết qua email rằng nước này có khả năng trong kế hoạch tài chính để vay nước ngoài và các công cụ để giảm chi phí nếu cần. Về lâu dài, Ba Lan cho rằng đồng zloty sẽ tăng giá nhờ các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế, giúp giảm gánh nặng nợ nần.

Bộ Tài chính Romania không đưa ra bình luận ngay lập tức về vấn đề này.

Yếu tố tái cấp vốn

Chú thích ảnh
Một góc thủ đô Warsaw của Ba Lan. Ảnh: Bloomberg

Số tiền bán trái phiếu chính phủ bằng USD và euro ở các thị trường mới nổi đã giảm xuống còn 104 tỷ USD vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Trong số 32 tỷ USD phát hành năm nay của Đông Âu, chỉ có khoảng 14 tỷ USD cần tái cấp vốn.

ING dự báo rằng Hungary khá thoải mái khi có thể nhưng không cần phải vay nợ lại trên thị trường nước ngoài vào năm 2023, còn Ba Lan đã đi trước kế hoạch, trong khi Romania có thể sẽ cần một đợt bán nợ nước ngoài khác trong năm nay.

Bà Cathy Hepworth, Giám đốc phụ trách nợ thị trường mới nổi tại công ty PGIM Fixed Income, cho biết các chính phủ Đông Âu đã bán rất nhiều trái phiếu trong năm nay tại thị trường Mỹ, thay vì thị trường đồng euro như thường lệ, nên đã có nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi.

Nợ chính phủ của Đông Âu đã có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn so với các quốc gia khác, dẫn đầu là 8,1% của Serbia vào năm 2023, 5,6% của Romania, 4,1% của Hungary và 2,4% của Ba Lan. Trong khi đó, lợi nhuận trung bình của nợ thuộc các nước đang phát triển chỉ là 1,4%.

Tuy nhiên, lãi suất toàn cầu tăng đã gây áp lực lên các chính phủ ở Hungary và Ba Lan. Tình hình kinh tế ở Ba Lan xấu đi vào đúng năm bầu cử, nên có thể khiến chính phủ chi tiêu nhiều hơn. Hơn nữa, chính phủ Ba Lan đang phải gánh một khoản nợ công ngoài ngân sách ngày càng tăng, có thể lên tới 152 tỷ USD vào năm 2026.

Ông Nafez Zouk, một nhà phân tích nợ quốc gia của các thị trường mới nổi tại công ty Aviva Investors (Anh), nhận định: Khu vực Đông Âu vẫn sẽ phải chi nhiều tiền trong năm nay khi đang đối mặt với hậu quả từ xung đột Ukraine, phải trợ cấp một khoản lớn về chi phí năng lượng cho các hộ gia đình. Ngoài ra, các nước này còn thiếu ngoại tệ khi bị trì hoãn tiếp cận các nguồn tiền của EU.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lãnh đạo Mỹ - Hàn không thảo luận về hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Lãnh đạo Mỹ - Hàn không thảo luận về hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã không trao đổi về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN