Theo đài RT, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố những yêu cầu "không thực tế" của Ukraine đang cản trở các cuộc đàm phán hòa bình.
Bà Zakharova đã đưa ra bình luận nêu trên khi trả lời câu hỏi về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc điện đàm này diễn ra vào ngày 26/4. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo nói chuyện với nhau kể từ khi Nga tiến hành hoạt động quân sự ở quốc gia láng giềng vào cuối tháng 2/2022.
Bà Zakharova ca ngợi Bắc Kinh vì những nỗ lực giúp khởi động lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Bà cho rằng tầm nhìn của Nga và Trung Quốc về con đường dẫn đến hòa bình “rất đồng điệu” với nhau.
Theo bà Zakharova, vấn đề không nằm ở việc thiếu các kế hoạch tốt mà do Kiev cho đến nay vẫn chưa tiếp thu bất kỳ sáng kiến hợp lý nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp chính trị và ngoại giao.
Vào tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó vào ngày 30/9/2022, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine (NSDC) cũng thông qua một quyết định nhằm đảm bảo an ninh và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukaine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đổ lỗi cho Kiev về sự đổ vỡ cuối cùng của các cuộc đàm phán vào mùa xuân năm ngoái khi Nga và Ukraine tổ chức nhiều vòng gặp mặt.
Kiev đã nhiều lần nói rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể nối lại sau khi Nga trao trả các lãnh thổ mà họ mới sáp nhập. Trong khi đó, Moskva đã gọi những yêu cầu như vậy là không thể chấp nhận được.
Các vùng lãnh thổ này bao gồm Crimea đã bỏ phiếu rời Ukraine và gia nhập Nga vào năm 2014; Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia cũng làm như vậy sau khi tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này vào tháng 9/2022.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/4, Nhà Trắng đã hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky, song cho rằng còn quá sớm để nói liệu sự kiện này có dẫn đến một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine hay không.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh, cuộc điện đàm nêu trên là một "điều tốt", nhưng về việc liệu nó có dẫn đến một động thái có ý nghĩa hướng tới hòa bình hay không thì "tôi không nghĩ là chúng ta biết điều đó".
Trước đó, Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin trong cuộc điện đàm đầu tiên từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào hôm 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky đã trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Zelensky cho hay ông đã có một cuộc điện đàm "dài và có ý nghĩa" với nhà lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời hy vọng điều này sẽ tạo động lực cho quan hệ với Bắc Kinh.
“Tôi đã có một cuộc điện đàm dài và ý nghĩa với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi tin tưởng cuộc gọi này, cũng như việc bổ nhiệm Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta", ông Zelensky thông báo trên mạng xã hội Twitter.