Xung đột Nga-Ukraine: Đường sắt sẽ quyết định cục diện cuộc chiến?

Nga tăng cường đánh phá mục tiêu đường sắt trong chiến dịch quân sự ở Ukraine do hạ tầng này trở thành mắt xích hậu cần quan trọng bậc nhất của chính quyền Kiev.

Chú thích ảnh
Ngay từ đầu cuộc chiến, Nga đã tìm cách giành quyền kiểm soát mạng lưới đường sắt ở Ukraine. Ảnh: DW

Những chuyến tàu do công ty đường sắt Ukrzaliznytsia điều hành vẫn đang hoạt động. Trong hai tuần trở lại đây, quân đội Nga tăng cường các đợt tấn công nhằm vào mạng lưới đường sắt trên khắp các vùng ở Ukraine. Hồi tuần trước, một cây cầu đường sắt bắc qua sông Dnipro đã bị phá hủy nghiêm trọng, trong khi nhiều nhà ga ở khu vực phía tây và phía nam Ukraine bị tấn công dồn dập.

Trên thực tế, mạng lưới đường sắt là một nhân tố quan trọng chi phối nhịp độ chiến sự ở Ukraine. Nga có lý do hợp lý để thay đổi chiến thuật. Trong hai tháng đầu giao tranh, công ty đường sắt Ukrzaliznytsia đã đảm nhận vai trò quan trọng hàng đầu trong chiến dịch hậu cần của Ukraine.

Mạng lưới đường sắt Ukraine có chiều dài lên tới hơn 22.000 km, trải rộng trên khắp đất nước. Trước khi nổ ra chiến sự, Ukrzaliznytsia là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công nhất tại Ukraine, với trên 230.000 nhân viên.

Mới 10 năm trước, Ukraine cũng đầu tư khoản tiền trị giá 740 triệu USD để nâng cấp hạ tầng đường sắt, phục vụ cho giải Vô địch bóng đá châu Âu 2012 (Euro 2021) do Ukraine và Ba Lan đồng tổ chức. Nhờ vậy, đường sắt tại Ukraine khá hiện đại.

Ukraine cũng có mạng lưới đường bộ rộng khắp. Tuy nhiên, ngoại trừ một số tuyến cao tốc gần thành phố lớn, có rất ít tuyến đường có trên hai làn xe mỗi chiều di chuyển. Nhiều tuyến cao tốc toàn quốc thực sự đã xuống cấp nghiêm trọng và không phù hợp cho việc vận chuyển hàng hóa, thiết bị hạng nặng.

Vì thế, đường sắt đã trở thành biểu tượng cho sức kháng cự của Ukraine. Đường sắt chuyên chở vũ khí, viện trợ, đồ tiếp tế tới khu vực miền đông, giúp sơ tán hàng triệu người dân. Giờ đây, các chuyến tàu cũng lại đưa các gia đình trở lại làng quê mà họ từng phải rời đi. Nhiều quan chức cấp cao như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen và nhiều lãnh đạo châu Âu đã tới Kiev trên các chuyến tàu đường sắt.

Đáng chú ý, đường sắt cũng đóng vai trò chủ đạo trong vận tải hàng hóa xuất khẩu. Trước chiến tranh, khoảng 50% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ukraine là qua cảng Odesa. Nhưng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, phong tỏa khu vực duyên hải, Ukraine gần như chỉ còn sử dụng được mỗi đường sắt dể xuất khẩu các loại hàng hóa như lúa mỳ, than, sắt thép, sản phẩm hóa chất sang phương Tây.

Với tầm quan trọng như vậy hệ thống đường sắt đã trở thành mục tiêu tranh đua quyết liệt ngay khi chiến sự nổ ra. Nga cố tìm cách nhanh chóng giành quyền kiểm soát các trung tâm hậu cần đường sắt của Ukraine tại các thành phố lớn như Kharkiv và Kiev, nhưng gặp phải sự phán cự mạnh mẽ từ các lực lượng Ukraine.

Cùng lúc, quân đội Ukraine cố tình triệt phá, phá hủy kết nối đường sắt giữa Nga và Belarus, cung đường vốn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động tái triển khai binh lực quy mô lớn của Nga.

Xét về mặt hậu cần, quân đội Nga luôn phụ thuộc lớn vào mạng lưới đường sắt. Diện tích lãnh thổ rộng lớn của Nga bao gồm nhiều loại hình thái địa hình khó khăn, như các khu vực lạnh giá băng tuyết, vùng ngập lụt theo mùa...

Chú thích ảnh
Sửa chữa các cây cầu bị phá hủy là nhiệm vụ khó khăn với Ukraine. Ảnh

Lực lượng bộ binh cơ giới của Nga vì thế dựa nhiều vào đường sắt, từ chuyển quân, cho tới chuyển lương thực, thuốc men, nhiên liệu… Theo Emily Ferris, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Viện Các quân chủng Hoàng gia Anh (RUSI), nếu không có đường sắt, quân đội Nga sẽ phải dựa vào đường bộ.

Bà Ferris nhận định quân Nga không có đủ nguồn cung ứng về lương thực, xăng dầu để duy trì chiến dịch tấn công bộ binh nhằm mục tiêu kiểm soát các vùng lãnh thổ nằm xa các trục đường sắt. Về phía bắc, Nga chưa bao giờ đủ lực kiểm soát các trung tâm vận tải đường sắt ở Chernihiv hay quanh khu vực Kyiv. Điều kiện thời tiết mưa nhiều, bùn lấy khiến phương tiện quân sự Nga bị xa lầy, mắc kẹt.

Giờ đây, Nga đã xác định lại mục tiêu trong chiến dịch quân sự giai đoạn hai, đó là kiểm soát vùng lãnh thổ phía đông và đông nam Ukraine. Nhưng đúng như bà Ferris chỉ ra, quân đội Nga vẫn chưa kiểm soát tuyệt đối các trung tâm hậu cần ở Kharkiv và vùng phía nam Ukraine, với nhiều địa điểm bị phá hủy gần như toàn bộ trong các đợt giao tranh. Điều này khiến Nga gặp khó trong sử dụng hạ tầng đường sắt ở những khu vực này để vận chuyển thiết bị, binh sĩ tiến sâu hơn vào Ukriane.

Điều này không có nghĩa là phần còn lại của hạ tầng đường sắt ở Ukraine sẽ an toàn. Thay đổi mục tiêu trong chiến dịch của Nga đồng nghĩa với việc quân đội Nga không còn bận tâm đến việc kiểm soát đường sắt ở Ukraine để đẩy nhanh đà tiếng công. Thay vào đó, phía Nga muốn làm hủy hoại, gây đứt gãy hạ tầng đường sắt ở Ukraine, nhằm cắt đứt cung đường vận chuyển vũ khí của phương Tây đổ vào Ukraine. Ukraine còn có khả năng duy trì được hạ tầng đường sắt trong bao lâu vì thế sẽ là nhân tố quyết định trong cuộc chiến này.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo DW)
Châu Âu dùng tàu hỏa để 'giải cứu' ngũ cốc Ukraine
Châu Âu dùng tàu hỏa để 'giải cứu' ngũ cốc Ukraine

Chiếc tàu hỏa chở theo 2.000 tấn ngô Ukraine đã đến lãnh thổ Áo ngày 6/5. Đây là một phần trong nỗ lực của châu Âu để giảm thiểu tình trạng gián đoạn nguồn cung lúa mì, ngô và nhiều loại ngũ cốc từ Ukraine đến châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN