Sức mạnh mới của pháo binh trong trận chiến ở Donbas

Nhiều nước phương Tây tăng cường viện trợ, chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, trong đó có pháo tầm xa, cỡ lớn.

Chú thích ảnh
Lựu pháo M777 được đưa lên máy bay vận tải C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ tại căn cứ ở California hồi tháng 4/2022. Ảnh: AFP

Pháo binh hiện là nhân tố thu hút sự chú ý của giới quan sát khi theo dõi về diễn biến chiến sự ở Donbas. Tên lửa chống tăng Javelin là “ngôi sao” trong chiến dịch phòng thủ, máy bay không người lái TB2 mua của Thổ Nhĩ Kỳ từng giúp quân đội Ukraine tiêu hao sức mạnh quân sự của Nga. Nhưng lực lượng đóng vai trò cốt yếu nhất trong cuộc chiến ở Ukraine là pháo binh. Vai trò của pháo binh sẽ còn tăng lên nữa trong những tuần tới đây khi giao tranh tiếp diễn ở Donbas.

Ý tưởng cốt lõi lý giải sức mạnh của pháo binh rất đơn giản. Súng trường do binh sĩ mang theo cùng với súng máy, bệ súng đặt trên xe tăng thường được coi là hỏa lực trực tiếp. Hỏa lực này bắn thẳng vào những mục tiêu mà binh sĩ, người điều khiển có thể nhìn thấy. Pháo binh liên quan nhiều hơn đến hỏa lực gián tiếp, có nghĩa là ngắm bắn vào những mục tiêu có thể nấp sau một sườn đồi, ở khoảng cách xa hàng chục kilomet.

Pháo rất đa dạng, có thể là pháo cối cho tới các khẩu pháo nặng tới 30 tấn gắn trên bệ, xe kéo, có thể tung ra hỏa lực hủy diệt nhằm vào những khu vực rộng lớn. Chính pháo binh là nhân tố gây ra thương vong nhiều nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất cũng như ở nhiều chiến trường trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ngay từ thời lập ra đế chế, Nga đã đặt pháo binh vào vị trí trung tâm trong tổ chức, tác chiến của quân đội. Nga có lực lượng pháp binh áp đảo với phần lớn các cường quốc quân sự phương Tây, chứ chưa nói đến Ukraine. Thế nhưng tình hình trên thực tế chiến trường có thể khác đi, khi Mỹ phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nhất là pháo tầm xa, đi cùng đó là radar bám sát mục tiêu và trợ giúp thông tin tình báo.

Phát biểu trước đồng cấp người Canada tại Lầu Năm góc hôm 28/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết pháo tầm xa sẽ chứng tỏ “vai trò quyết định” trong giai đoạn tới ở Ukraine. Mỹ cùng với Canada đã bắt tay huấn luyện cho một nhóm nhỏ binh sĩ Ukraine để vận hành, sử dụng thành thạo lựu pháo M777 155 mm – loại pháo mà Mỹ và Canada hỗ trợ, chuyển giao cho Ukraine.

Riêng Mỹ cam kết chuyển giao cho Ukraine khoảng 90 lựu pháo M777 cùng với khoảng 190.000 đạn pháo loại này. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tính đến ngày 2/5, Mỹ đã chuyển giao 80% trong tổng số lựu pháo M777 và một nửa số đạn 155 mm mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết viện trợ cho Ukraine tháng trước.

Ngoài Mỹ và Canada, Pháp cũng khẳng định chuyển giao cho Ukraine một cơ số lựu pháo Caesar 155 mm. Anh, Thụy Điển và một số đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sớm công bố các kế hoạch cung cấp pháo cho Ukraine.

Tính đến thời điểm này, quân Nga và Ukraine sử dụng một số chủng loại pháo giống nhau, trong đó có hệ thống pháo phản lực phóng loạt Smerch cỡ nòng 300 mm và lựu pháo 122 mm từng được đưa vào biên chế từ những năm 1960 dưới thời Liên Xô.

Việc phương Tây đưa nhiều loại pháo tầm xa vào trợ giúp Ukraine có thể sẽ làm đẩy nhanh dịch chuyển chiến thuật của Nga và Ukraine, đẩy hai bên đi tới quyết định triển khai cái gọi là “hỏa lực phản pháo”, tức lực lượng bên này tìm kiếm, xác định vị trí và tiêu diệt pháo binh của đối phương.

Chiến sự tại Donbas vì thế sẽ chứng kiến màn phô diễn hỏa lực tầm xa của pháo binh - nhân tố đóng vai trò chủ đạo trong kho vũ khí của Nga. Về phần mình, Tổng thống Ukaraine Volodymyr Zelensky cũng đã yêu cầu phương Tây viện trợ bổ sung một số hệ thống pháo phóng loạt, như Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao M142 (HIMARS) của Mỹ. Cùng lúc, Mỹ và phương Tây cũng đã cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái radar làm nhiệm vụ thu thập tin tình báo, phát hiện mục tiêu, chỉ định mục tiêu cho pháo binh.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo The Economist, Washington Post)
Giao tranh dữ dội tại 'pháo đài' Azovstal sau lệnh ngừng bắn
Giao tranh dữ dội tại 'pháo đài' Azovstal sau lệnh ngừng bắn

Các cuộc giao tranh tiếp tục nổ ra tại nhà máy luyện thép Azovsta ở thành phố Mariupol của Ukraine sau thời hạn ngừng bắn hôm 3/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN