Đài RT cho biết, doanh thu năng lượng của Nga dự kiến sẽ tăng vọt trong năm nay nếu các đối tác thương mại tiếp tục mua dầu và khí đốt từ quốc gia đang hứng chịu các lệnh trừng phạt này.
Theo phân tích của Bloomberg, Nga sẽ đạt khoảng 321 tỷ USD xuất khẩu năng lượng trong năm 2022, đánh dấu mức tăng hơn 1/3 so với năm ngoái.
“Động lực lớn nhất duy nhất dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai của Nga tiếp tục có vẻ vững chắc”, Bloomberg dẫn lời các nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IFF) cho biết trong một báo cáo.
“Bất chấp các biện pháp trừng phạt hiện hành, dòng tiền mạnh vào Nga có vẻ sẽ tiếp tục tăng đáng kể”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của IFF cũng nhấn mạnh rằng một lệnh cấm vận năng lượng tiềm tàng của EU, Anh và Mỹ sẽ dẫn đến sản lượng không thể tránh khỏi sụt giảm hơn 20% và có thể khiến Nga mất tới 300 tỷ USD doanh thu xuất khẩu, tùy thuộc vào biến động giá cả. Nước này cũng đang đạt được mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục mà các chuyên gia cho rằng có thể lên tới 240 tỷ USD.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga như một phần của lệnh trừng phạt đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, EU đã từ chối thực hiện biện pháp này, còn Mỹ và Anh tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga.
Giá dầu thô toàn cầu đã tăng hơn 30% trong năm nay, lên trên 100 USD / thùng do lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung từ Nga vào thời điểm nhu cầu toàn cầu cao sau đại dịch. Giá xăng cũng đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Mỹ và các nước EU đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt với Moskva. Đáp lại, Tổng thống Nga Putin cuối tháng 3 vừa qua tuyên bố các nước “không thân thiện” sẽ phải thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng tiền rúp, thay vì bằng USD và euro như thường lệ.
Đây được cho là động thái áp đặt “luật chơi” riêng của Nga, trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để sưởi ấm và sản xuất điện. Khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga trong năm nay là từ 200 triệu đến 800 triệu euro mỗi ngày.
Ủy ban châu Âu cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga “trước năm 2030”. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng không dễ để thay thế 1.550 terawatt-giờ khí đốt Nga được cung cấp cho EU trong năm 2021.
Đức là khách mua lớn nhất và ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của nước này tiêu thụ khí đốt và năng lượng với số lượng lớn. Chính phủ Đức trong tuần trước đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn của kế hoạch quản lý khủng hoảng, có thể bao gồm kịch bản phân phối năng lượng và kêu gọi người dân sử dụng càng ít càng tốt. Bất kỳ sự mất mát đáng kể nào về nguồn cung của Nga cũng có thể khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái, thậm chí trên cả khu vực rộng lớn hơn.