Cái giá thực của ‘khí đốt tự do’ Mỹ với châu Âu

Kỹ thuật "thuỷ lực cắt phá” nhằm khai thác dầu khí đã bị cấm ở hầu hết châu Âu, nhưng khi EU quay sang Mỹ để tìm nguồn cung cấp khí đốt thay thế cũng từ kỹ thuật này, họ sẽ phải đánh đổi điều gì.

Chú thích ảnh
Nhiều khí đốt hoá lỏng (LNG) của Mỹ sẽ được chuyển tới châu Âu, nhưng cái giá phải trả cho khí hậu sẽ là bao nhiêu? Trong ảnh, một tàu lớn chở LNG. Nguồn: DW

'Khí đốt tự do" (freedom gas) là cụm từ từng được Bộ Năng lượng Mỹ thời Tổng thống Trump dùng để nói về khí đốt hoá lỏng mà Mỹ xuất khẩu ra thế giới, trao cho các đồng minh một "nguồn năng lượng sạch, giá phải chăng". Nhưng các chuyên gia cho rằng, châu Âu sẽ phải trả giá cho việc trông cậy vào nhập "khí đốt tự do" từ Mỹ trong quá trình tách khỏi năng lượng Nga.

"Chúng tôi đã nghĩ có thể chuyển sang một phương tiện khác, nhưng chúng tôi lại đang lái xe về phía vực thẳm", Andy Gheorghiu, một nhà vận động chống rò rỉ khí đốt tại Đức, bình luận sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu EU Ursula von der Leyen công bố thỏa thuận khí đốt nhằm giảm sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào năng lượng Nga.

Theo thoả thuận này, thêm 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) - phần lớn có nguồn gốc từ các giếng khai thác "thủy lực cắt phá" mọc lên như nấm trên khắp nước Mỹ - sẽ đổ bộ vào bờ biển châu Âu từ bên kia Đại Tây Dương trong năm nay.

Nhưng con số này chỉ tương đương khoảng 1/3 lượng khí đốt mà Nga bơm sang Đức trong năm 2022. Các nhà hoạt động lo ngại rằng việc thay thế khí đốt của Nga bằng LNG từ Mỹ sẽ không đảm bảo an ninh năng lượng, mà thay vào đó còn đe dọa các mục tiêu khí hậu dài hạn.

Con đường sai lầm?

Ông Murray Worthy, lãnh đạo chiến dịch phản đối khai thác thuỷ lực và khí đốt tại Global Witness (Nhân chứng Toàn cầu) cho biết: “Thỏa thuận [này] đưa EU và Mỹ vào một con đường sai lầm và nguy hiểm khi gấp gáp dựng cơ sở hạ tầng mới để nhập khẩu khí hóa thạch vào châu Âu. Việc xây dựng các cảng nhập khẩu mới đồng nghĩa với việc còn cho phép nhập khẩu khí hóa thạch trong nhiều năm nữa - rất lâu sau khi EU cần phải từ bỏ loại nhiên liệu đang tàn phá khí hậu này".

Các chuyên gia cũng lo ngại về tác động khí hậu tức thời của loại LNG được khai thác từ các mỏ đá phiến sét nằm sâu dưới lòng đất.

Chú thích ảnh
Khai thác khí đốt tại Mỹ bằng phương pháp thủy lực cắt phá, vốn đã bị cấm ở hầu hết châu Âu.

Mặc dù việc khai thác mỏ bằng phương pháp thuỷ lực cắt phá đã bị cấm ở phần lớn châu Âu do tác động đến môi trường (trong đó có việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm nước ngầm), nhưng EU vẫn rất vui khi được cung cấp LNG khai thác bằng phương pháp này từ Mỹ.

Đối với các nhà vận động, việc thúc đẩy gia tăng "khí đốt tự do" có tác động nghiêm trọng đến khí hậu vì lượng phát thải mêtan cao của loại nhiên liệu này. Tác động làm nóng toàn cầu của khí mê-tan cao hơn khí CO2 khoảng 85 lần trong khoảng thời gian 20 năm. 

Thỏa thuận Mỹ-EU được công bố hôm 24/3 cũng đã thận trọng kết hợp mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt với "mục tiêu khí hậu". Thỏa thuận này nhằm mục đích "giảm cường độ phát thải khí nhà kính của tất cả cơ sở hạ tầng LNG mới và các đường ống liên quan, thông qua việc sử dụng năng lượng sạch cho các hoạt động tại chỗ, giảm rò rỉ khí mê-tan và xây dựng cơ sở hạ tầng sẵn sàng sử dụng hydro sạch và tái tạo.

Tuy nhiên, nếu khí đốt của Nga được thay thế trong ngắn hạn đến trung hạn, thì khí đốt tự nhiên nhiều khả năng vẫn giữ vị trí là nguồn phát thải CO2 lớn thứ hai sau than tại Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, bên kia Đại Tây Dương, các quy định không nhất quán đã khiến một số bang của Mỹ trở thành "miền Tây hoang dã" cho ngành công nghiệp khai thác mỏ. Đơn cử, ở Texas, lượng khí thải cao do tình trạng "bùng phát khí mê-tan" thường không được kiểm soát, dẫn đến rò rỉ từ hàng chục nghìn giếng ở lưu vực Permian, trải dài đến New Mexico – nơi mà khí đốt đã được dán nhãn là "một trong những loại bẩn nhất trên thế giới."

Một nghiên cứu năm 2019 cho rằng một thập kỷ tăng phát thải khí mê-tan trong khí quyển toàn cầu là do sự bùng nổ khai thác khí đốt ở Mỹ. Nghiên cứu kết luận rằng sản xuất khí đá phiến ở Bắc Mỹ có thể là nguyên nhân gây ra "hơn một nửa tổng lượng phát thải gia tăng từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu" trong thập kỷ trước.

Chuyên gia Gheorghi cho biết LNG nhập khẩu của EU cũng đang được sử dụng làm nguyên liệu cho nhựa và phân bón. Với các hợp đồng nhập khẩu thường có thời hạn lên đến 20 năm, sự sẵn có của LNG từ Mỹ sẽ là yếu tố không khuyến khích khử carbon trong các ngành nguyên liệu thô phát thải cao này.

Chú thích ảnh
Trạm nét khí đốt ở làng Mryn, Ukraine. Ảnh: DPA 

Mục tiêu bị đe dọa

Các nhà nghiên cứu Amanda Levin và Christina Swanson, từ Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên có trụ sở tại Mỹ, đã kết luận rằng những nỗ lực của Washington nhằm tăng cường sản xuất và xuất khẩu LNG có thể làm giảm bất kỳ cơ hội nào để hạn chế nhiệt độ toàn cầu xuống 1,5 độ C.

Họ cho rằng việc xuất khẩu LNG đang tăng mạnh sẽ càng khoá chặt sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch, khiến quá trình chuyển đổi sang phát thải carbon thấp và không carbon thậm chí còn khó khăn hơn.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng tác động khí hậu của LNG sẽ tăng gấp đôi khi quá trình khai thác, vận chuyển, hóa lỏng và tái khí hóa được tính cả vào lượng phát thải khí nhà kính của việc đốt khí.

Lượng phát thải khí nhà kính mới từ 130 đến 213 triệu tấn ở Mỹ có nguyên nhân từ việc tăng gấp ba lần xuất khẩu từ năm 2020 đến năm 2030 - giống như đưa thêm 45 triệu xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào lưu thông hàng năm. Nó cũng sẽ đảo ngược mức giảm 1% khí nhà kính hàng năm đã đạt được trong thập kỷ qua.

Chú thích ảnh
Tàu vận chuyển đường ống để xây dựng tuyến Dòng chảy Phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. Ảnh: Sputnik

LNG vẫn sẽ không thay thế được khí đốt của Nga

Mặc dù Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng đã đến Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất trong tháng này để tìm thêm các giải pháp thay thế khí đốt, các nhà phân tích cho rằng nguồn cung hạn chế và nhu cầu toàn cầu tăng cao khiến việc gia tăng ồ ạt dòng LNG sang châu Âu gặp khó khăn.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cần thiết như các cảng nhập sẽ mất 2-3 năm để xây dựng, khiến mục tiêu cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay của Liên minh châu Âu là bất khả thi.

Đối với các nhà vận động khí hậu, năng lượng nhiên liệu hóa thạch là động lực chính dẫn đến chiến tranh, cần được loại bỏ dần và thay thế bằng năng lượng tái tạo.

Chuyên gia Murray Worthy của Global Witness cho rằng: "Nếu châu Âu thực sự muốn loại bỏ khí đốt của Nga, lựa chọn thực sự duy nhất mà họ có là loại bỏ hoàn toàn khí đốt."

Còn nhà vận động Gheorghiu nói: “Chúng ta có cơ hội lịch sử duy nhất và nghĩa vụ phải lựa chọn để thay đổi căn bản cách chúng ta tạo ra và tiêu thụ năng lượng. Nhưng giải pháp mà các chính phủ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta đưa ra chẳng khác gì cái cũ".

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hạn chót 31/3 thanh toán tiền rúp: Điều gì xảy ra nếu Nga đóng van khí đốt tới châu Âu
Hạn chót 31/3 thanh toán tiền rúp: Điều gì xảy ra nếu Nga đóng van khí đốt tới châu Âu

Nga cho các quốc gia “thù địch” thời hạn chót là ngày hôm nay, 31/3 để bắt đầu thanh toán tiền nhập khẩu khí đốt bằng đồng rúp (ruble). Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu EU không đáp ứng và Moskva đóng van khí đốt?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN