Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7 năm ngoái để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 18/5 và đàm phán về việc gia hạn đang diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Vị trí của Nga trong xuất khẩu lúa mì toàn cầu
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), sản lượng lúa mì của Nga đã tăng hơn 60% trong thập niên qua để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Dự kiến Nga sẽ chiếm hơn 20% thương mại lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2022/23 hiện tại nhờ giá cả cạnh tranh và nguồn cung dồi dào.
Nhiều quốc gia ở Châu Phi, Trung Đông và Châu Á dựa vào Nga và các nguồn khác ở Biển Đen bao gồm Ukraine về nguồn cung lúa mì chất lượng cao. Xung đột khiến cho việc đánh giá khối lượng sản xuất và xuất khẩu ở Biển Đen trở nên khó khăn hơn. Nga đã ngừng công bố dữ liệu hải quan từ tháng 3/2022.
Bộ Nông nghiệp Mỹ trong tháng 4 dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga đạt kỷ lục 45,0 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, tăng 36% so với niên vụ trước và cao hơn 3,5 triệu tấn so với kỷ lục của niên vụ 2017/18. Công ty tư vấn SovEcon của Nga ước tính xuất khẩu lúa mì niên vụ 2023/24 là 43,0 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu lúa mì niên vụ 2022/23 của Liên minh châu Âu là 35 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với các lô hàng dự kiến của Nga.
Tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây với xuất khẩu lúa mì Nga
Chưa có lệnh trừng phạt trực tiếp áp dụng với thương mại ngũ cốc Nga. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã nhắm đến một số ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân tại Nga. Điều này gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Nga trong việc vận chuyển và sắp xếp thanh toán.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sau vụ thu hoạch kỷ lục vào mùa Hè năm ngoái, dự trữ lúa mì của Nga vào cuối vụ 2022/23 - ngày 30/6 vẫn sẽ ở mức cao nhất trong gần 30 năm qua.
Chính phủ Nga đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu và thuế xuất khẩu đối với lúa mì và các loại cây trồng khác để đảm bảo nguồn cung trong nước và kiềm chế lạm phát lương thực nội địa.