WTO cho biết, 72 nền kinh tế thành viên áp dụng lệnh cấm và 8 nước nằm ngoài tổ chức này hạn chế xuất khẩu các mặt hàng trên. Tuy nhiên, chỉ có 13 thành viên thông báo đến WTO theo quy định.
WTO cho rằng sự thiếu minh bạch về các biện pháp hạn chế và việc không có sự phối hợp quốc tế có thể ảnh hưởng đến những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, khi 2,64 triệu người mắc COVID-19, trong đó có 184.910 ca tử vong trên toàn cầu. Theo WTO, các biện pháp hạn chế khiến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ không tiếp cận được các sản phẩm y tế cần thiết và gây ra cú sốc về nguồn cung.
Theo báo cáo của WTO, việc cấm và hạn chế xuất khẩu nhìn chung là trái quy định của WTO, dù có những ngoại lệ, cho phép thực hiện các biện pháp tạm thời để ngăn chặn hoặc giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác. Báo cáo cho rằng những hạn chế đi lại đã làm chậm dòng chảy hàng hóa cần thiết để chống đại dịch, nhưng những hạn chế xuất khẩu đã khiến các chính phủ và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các quyết định mua sắm và tìm kiếm các nhà cung cấp mới.
Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển vào mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng trước nói rằng, bất kỳ biện pháp khẩn cấp nào được thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch nên có mục tiêu, cân xứng, minh bạch và tạm thời. Tuy nhiên, những hạn chế xuất khẩu mới vẫn được thực hiện sau đó.