Trích dẫn một người được lãnh đạo Iran thông báo, tờ Wall Street Journal ngày 11/4 cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, mặc dù kế hoạch tấn công đang được thảo luận.
Tờ báo cũng dẫn lời một quan chức Mỹ am hiểu tình hình cùng ngày nói rằng các báo cáo tình báo của Mỹ cho thấy Iran sẽ tấn công trong vài ngày tới, "có thể trên đất Israel".
Vào ngày 1/4, một cuộc không kích được cho là do Israel tiến hành đã nhằm vào tòa nhà lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria), phá hủy tòa nhà. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết 7 thành viên của lực lượng này đã thiệt mạng trong vụ tấn công, trong đó có 2 chỉ huy cấp cao, là Tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy Lực lượng Quds, và cấp phó của ông, Tướng Mohammad Hadi Hajriahimi, cùng 5 sĩ quan khác.
Bộ Y tế Syria ngày hôm sau thông báo rằng cuộc tấn công cũng đã khiến 4 người Syria thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Bộ Ngoại giao Iran cho biết họ "có quyền" đáp trả cuộc tấn công của Israel và "trừng phạt kẻ xâm lược". Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng thề rằng Israel sẽ phải “trả giá nặng" cho cuộc tấn công.
Truyền thông Mỹ trước đó dẫn nguồn tin tình báo của Iran và Mỹ cho biết Iran có kế hoạch tấn công hàng chục mục tiêu nhạy cảm ở Israel, bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng và nhiều cơ sở khác, bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái mang chất nổ.
Trong suốt hai hoặc ba thập kỷ qua, Iran đã củng cố danh tiếng là một quốc gia có kho tên lửa tiên tiến hùng mạnh. Tehran có nhiều tên lửa tầm xa và thậm chí còn phát triển được tên lửa siêu vượt âm của riêng mình - một kỳ tích mà nhiều cường quốc phương Tây có công nghệ tiên tiến như Mỹ chưa đạt được.
Kho tên lửa của Iran được cho là có nhiều loại có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Tel Aviv, bắn trúng mục tiêu ở Israel cách xa khoảng 1.500 km.
Đài Sputnik đã liệt kê các loại tên lửa mà Iran có thể sử dụng để tung đòn trả đũa, bao gồm:
Kheiber-Shekan (hay Kheibar Shekan): Được Iran quảng cáo là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa nhất thế giới và có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly lên tới 1.450 km. Nó có thể mang tải trọng khoảng 600 kg.
Emad: Là tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 1.700 km và có thể mang theo trọng tải lên tới 750 kg.
Fattah-2: Tên lửa siêu vượt âm này mới được ra mắt vào tháng 11/2023. Nó có tầm bắn 1.500 km và khả năng siêu vượt âm giúp đầu đạn nặng 450 kg của nó vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của đối phương.
Haj Qassem: Được đặt theo tên của cố Tướng Qassem Soleimani, tên lửa này có tầm bắn 1.400 km và có thể mang đầu đạn nặng 500 kg, chưa kể nó được cho là có khả năng tránh sự phát hiện của radar.
Sejjil: Tên lửa đạn đạo này của Iran có tầm bắn khoảng 4.000 km và có thể mang theo trọng tải khoảng 700 kg.
Shahab-3: Với tầm bắn lên tới 1.300 km, tên lửa "cũ đáng tin cậy" này đã được Iran đưa vào sử dụng từ năm 2003. Nó có thể mang trọng tải lên tới 1.200 kg.
Ghadr: Tên lửa đạn đạo tầm trung này có thể mang trọng tải 800 kg và có tầm bắn lên tới gần 2.000 km.
Paveh: Paveh là tên lửa hành trình có tầm bắn 1.650 km. Một trong những đặc điểm nổi bật của tên lửa này là khả năng liên lạc với các tên lửa khác cùng loại khi được phóng theo nhóm, cũng như thay đổi đường bay khi tiếp cận mục tiêu.