WSJ: Hàng loạt thành viên NATO tìm cách thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga

Anh, Pháp, Đức đã đưa ra các cam kết về vũ khí và an ninh như một cách để thúc đẩy Kiev khởi động đàm phán với Moskva.

Chú thích ảnh
Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Điện Elysee, ngày 9/2. Ảnh: Global Look Press

Theo Tạp chí Phố Wall (WSJ), London đã đề xuất cung cấp cho Kiev nhiều vũ khí và đảm bảo an ninh hơn, không kém gì thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm khuyến khích Kiev khởi động các cuộc đàm phán với Moskva.

Paris và Berlin được cho là cũng ủng hộ sáng kiến này và đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đàm phán với Nga. Tuy nhiên, ông Zelensky đã từ chối.

Một số quan chức giấu tên tiết lộ với nguồn tin rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai kêu gọi Ukraine tiến hành “một cuộc tấn công quân sự nhằm đẩy lùi lực lượng Nga để mở đường cho việc quay trở lại đàm phán”. Ông Macron đã khuyên người đồng cấp Zelensky đưa ra “những quyết định khó khăn”.

Theo nguồn thạo tin, trong bữa tối tại Điện Elysee hồi đầu tháng này, Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói với ông Zelensky rằng ông cần bắt đầu xem xét các cuộc đàm phán hòa bình.

“Chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại rằng Nga không nên chiến thắng, nhưng điều đó có nghĩa là gì? Nếu xung đột kéo dài với cường độ như hiện nay, tổn thất của Ukraine sẽ trở nên lớn đến nỗi không thể chịu đựng được. Và không ai tin rằng họ sẽ có thể giành lại Crimea”, một quan chức cấp cao của Pháp nói với tờ WSJ.

Trong nỗ lực khuyến khích Tổng thống Zelensky quay trở lại đàm phán, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã đưa ra một kế hoạch cho phép Kiev “tiếp cận rộng rãi hơn các thiết bị quân sự, vũ khí và đạn dược tiên tiến”, dự kiến sẽ được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7.

“Hội nghị thượng đỉnh NATO nên đưa ra đề nghị rõ ràng cho Ukraine, đồng thời mang lại cho ông Zelensky một chiến thắng chính trị, để làm động lực cho các cuộc đàm phán”, một quan chức giấu tên của Anh nói với nguồn tin.

Quan chức này nói thêm rằng nếu Nga thấy phương Tây sẵn sàng hỗ trợ Kiev nhiều hơn, có thể Moskva sẽ bị thuyết phục rằng họ không thể đạt được các mục tiêu quân sự đã đề ra.

Theo các quan chức giấu tên của cả hai nước, Pháp và Đức ủng hộ sáng kiến này và coi đây là giải pháp để “gây dựng thêm lòng tin cho Ukraine”, tạo động lực để bắt đầu đàm phán với Nga.

Tuy nhiên, theo các quan chức, kế hoạch của ông Sunak không bao gồm việc triển khai lực lượng NATO ở Ukraine, hay đưa ra các cam kết theo Điều 5 của Hiến chương NATO về việc can thiệp quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik cho rằng đây là bước khởi động hiệu quả, song ông nói Kiev vẫn cần “một cam kết rõ ràng về tư cách thành viên NATO, và đây là giải pháp duy nhất cho một nền hòa bình lâu dài”.

Hô 24/2, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã liệt kê các điều kiện về giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay. Các điều kiện gồm phương Tây phải ngừng cấp vũ khí và “lính đánh thuê” cho Ukraine, chấm dứt hành động thù địch, trả lại trạng thái trung lập cho Ukraine, công nhận thực tế lãnh thổ mới, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine cũng như loại bỏ toàn bộ mối đe dọa từ lãnh thổ Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó cũng nói rằng xung đột Ukraine lúc này là một “trận chiến hậu cần” và Nga đang chiến thắng trong cuộc đua cung cấp đạn dược.

Chú thích ảnh
Tổng thống Zelensky trong cuộc họp báo hôm 24/2. Ảnh: Reuters

Về phần mình, trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo ngày 24/2, khi được hỏi liệu ông có đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin nếu Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải hay không, Tổng thống Zelensky trả lời: “Tôi không chấp nhận”.

Nhà lãnh đạo Ukraine giải thích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biết rõ quan điểm của ông. Ông nói: “Chúng tôi đã thảo luận điều này trước khi xung đột nổ ra. Tôi đề nghị ông ấy thuyết phục ông Putin ngồi vào bàn đàm phán để tránh một cuộc xung đột toàn diện. Nhưng ông ấy không thể thuyết phục. Không chỉ ông ấy, bây giờ, chúng tôi cũng không thể làm điều đó”.

Đề cập đến kế hoạch hòa bình 12 điểm do Bắc Kinh đề xuất, ông Zelensky cho biết ông hoan nghênh một số đề xuất trong đó. Theo ông, Bắc Kinh không đưa ra một kế hoạch cụ thể, nhưng cũng đã có một số ý tưởng.

“Tôi coi đây là một tín hiệu, nhưng không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông chia sẻ và nhấn mạnh Kiev không chấp nhận bất cứ kế hoạch nào không bao gồm việc Nga rút hết quân.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT, WSJ)
Xung đột Nga – Ukraine: Viễn cảnh hoà bình vẫn còn xa vời
Xung đột Nga – Ukraine: Viễn cảnh hoà bình vẫn còn xa vời

Con đường thoát khỏi xung đột hiếm khi dễ dàng. Lựa chọn hòa bình, điều tưởng chừng ai cũng mong muốn, lại quá khó khăn ở Ukraine, nơi đặt nhiều toan tính của các cường quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN