Báo cáo thường niên Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của WMO cho thấy nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã lên tới mức cao nhất trong 174 năm, cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiệt độ đại dương cũng ở mức ấm nhất trong 65 năm, gây hại cho nhiều hệ sinh thái biển.
Trong báo cáo, Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo nhấn mạnh đến “cảnh báo đỏ”. Ông nói: “Những gì chúng ta chứng kiến vào năm 2023, đặc biệt là sự ấm lên chưa từng thấy của đại dương, sự biến mất của các dòng sông băng và băng tan ở biển Nam Cực, là các nguyên nhân gây ra mối lo ngại đặc biệt này”.
Biến đổi khí hậu, do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch cùng với sự xuất hiện của tình trạng khí hậu El Nino, đã "xô đổ" nhiều kỷ lục trên thế giới trong năm ngoái. Các nhà khoa học cảnh báo năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn, với hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ trong những tháng đầu tiên của năm nay.
Ngoài ra, báo cáo mới của WMO cũng cho thấy lượng băng ở Nam Cực sụt giảm mạnh, thấp hơn kỷ lục trước đó tới 1 triệu km2. Xu hướng này kết hợp với quá trình nóng lên của đại dương làm tăng hơn gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng trong thập kỷ qua, so với giai đoạn 1993-2002.
Báo cáo cũng cho biết nhiệt độ đại dương ghi nhận ở khu vực Bắc Đại Tây Dương cao hơn mức trung bình 3 độ C vào cuối năm 2023. Nhiệt độ đại dương ấm hơn ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và nhiều loài cá phải di cư khỏi khu vực này về phía Bắc để tìm kiếm nhiệt độ mát hơn. Người phụ trách giám sát khí hậu của WMO, ông Omar Baddour cho biết: “Khả năng cao là năm 2024 sẽ phá kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái”.
Về phần mình, bà Saulo bày tỏ hy vọng báo cáo trên sẽ giúp nâng cao nhận thức về "nhu cầu cấp thiết phải khẩn trương thực hiện các hành động vì khí hậu".