LHQ: Nỗ lực khí hậu toàn cầu có tiến bộ nhưng chưa đủ để đạt mục tiêu đề ra

Ngày 26/10, Liên hợp quốc công bố báo cáo mới nhất cho thấy nếu các quốc gia trên thế giới hoàn thành cam kết khí hậu hiện nay, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ vẫn tăng 10,6% vào năm 2030 so với các mức của năm 2010. Dù vậy, việc kiềm chế được mức tăng khí thải ở 10,6% vào năm 2030 được coi là một tiến bộ nhỏ vì đã giảm so với mức 13,7% trong ước tính trước đây của LHQ.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ khu đốt chất thải tại một khu công nghiệp ở Leverkusen, Đức ngày 27/7/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo cáo được công bố trong bối cảnh Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết để hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp thì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải giảm 43% vào năm 2030. Các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ đến tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập từ ngày 6 - 18/11. Các chuyên gia kêu gọi tăng cường hành động ngay lập tức.

Trong tuyên bố mới, ông Simon Stiell, thư ký điều hành của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong hội nghị COP26 tại Glasgow năm 2021, tất cả các quốc gia đã nhất trí đánh giá lại và tăng cường các kế hoạch khí hậu. Tuy nhiên, ông Stiell cho biết đến nay mới chỉ có 24 trong tổng số 193 quốc gia tham gia COP đệ trình kế hoạch khí hậu mới hoặc cập nhật và gọi đây là một thực trạng đáng thất vọng.

Ông Stiell nhấn mạnh để mục tiêu nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu còn khả thi, các chính phủ cần tăng cường các kế hoạch hành động ngay từ bây giờ và triển khi mạnh mẽ trong 8 năm tiếp theo. Quyết định và hành động của các chính phủ phải phản ánh đúng cấp độ khẩn, tính nghiêm trọng của những mối đe dọa mà thế giới đang phải đương đầu và tính cấp bách về thời gian còn lại để có thể hành động kịp thời nhằm tránh những hậu quả tàn khốc do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng.

Theo báo cáo, do thiếu những cam kết thích hợp trên toàn cầu nên thế giới đang trong lộ trình ấm lên 2,5 độ C vào năm 2100. Các cam kết khí hậu quốc tế vẫn còn quá yếu kém để có thể giúp thế giới đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt tăng ở 1,5 độ. Giới chuyên gia nhận định thực trạng thế giới vẫn phải chật vật ứng phó với các đợt sóng nhiệt, bão và lũ lụt nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi mức nhiệt tăng mới ở 1,2 độ C đã cho thấy chưa đủ hành động khẩn cấp để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.Trong báo cáo mang tính bước ngoặt nêu trên, IPCC cảnh báo thế giới gần như đã hết thời gian để có thể hành động đảm bảo một tương lai có thể sinh sống cho tất cả. 

COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới cùng lúc chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng từ đói nghèo, giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt, và tình hình trầm trọng hơn do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan. Giới khoa học cảnh báo mức nhiệt tăng toàn cầu trên 1,5 độ C sẽ khiến các hệ sinh thái sụp đổ, hệ thống khí hậu sẽ biến đổi theo cách không thể sửa chữa được. Chỉ riêng trong năm 2021, thế giới đã liên tục hứng chịu những trận lũ lụt lịch sử, sóng nhiệt thiêu đốt mùa màng và các vụ cháy rừng bùng lên ở cả 4 lục địa. Báo cáo của IPCC đã được các chính phủ chấp nhận và sẽ được đưa ra thảo luận tại Ai Cập.

Lê Ánh (TTXVN)
Biến đổi khí hậu khiến 1 tỷ trẻ em bị ảnh hưởng
Biến đổi khí hậu khiến 1 tỷ trẻ em bị ảnh hưởng

Khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đứng trước "nguy cơ vô cùng lớn" do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, trong khi mức sống của thế hệ trẻ không được cải thiện trong thập niên qua. Cảnh báo này được tổ chức phi chính phủ KidsRights của Hà Lan đưa ra trong báo cáo mới đây về thực hiện quyền trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN