Trong báo cáo tình hình và ứng phó với hạn hán ở vùng Sừng châu Phi mới nhất, WFP cho biết các quốc gia trong khu vực, chủ yếu là Ethiopia, Kenya và Somalia, đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng trong hai năm rưỡi sau 5 mùa mưa khô hạn.
Báo cáo cho biết khu vực này đang chứng kiến hạn hán nghiêm trọng và kéo dài nhất trong nhiều thập niên, kéo theo tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có ở các vùng miền Nam và Đông Nam Ethiopia, vùng đất khô cằn và bán khô hạn của Kenya và phần lớn lãnh thổ Somalia.
Theo WFP, tình hình tại vùng Sừng châu Phi - vốn được biết đến là khu vực thường xuyên chịu cảnh hạn hán, đã trở nên nghiêm trọng do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có tăng dân số, biến động kinh tế vĩ mô, đại dịch, nghèo đói cùng cực và xung đột.
Dữ liệu mới nhất cho thấy khoảng 5,4 triệu người ở Kenya có thể rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2023. Tại Somalia, ước tính khoảng 6,5 triệu người được cho là đối mặt với khủng hoảng hoặc mất an ninh lương thực nghiêm trọng từ tháng 1 đến tháng 3/2023.
Trong khi đó, tại Ethiopia, chỉ tính riêng tại các khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán, có tới khoảng 11,8 triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp, tăng 59% so với đầu năm 2022.
Báo cáo nêu rõ vùng Sừng châu Phi hiện là một trong những khu vực mất an ninh nghiêm trọng nhất, cao hơn đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, việc xảy ra mùa mưa không đủ nước trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2023 như dự báo có thể gây ra những hậu quả rất lớn cho các cộng đồng.
Do đó, WFP nhấn mạnh nhu cầu nhân đạo tại khu vực này sẽ vẫn cao trong năm 2023 và cộng đồng quốc tế cần tăng hỗ trợ tại khu vực để bảo vệ mạng sống của người dân.