Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu của ông Alwardat được đưa ra trong báo cáo do Trung tâm Thông tin Liên hợp quốc (LHQ) công bố sau khi nghiên cứu sơ bộ về “Đánh giá Nguy cơ tổn thương của người tị nạn Syria ở Liban năm 2022”, trong đó cho thấy điều kiện sống của tất cả người tị nạn Syria tiếp tục suy giảm mạnh. Theo báo cáo, “người tị nạn Syria đang phải cắt giảm bữa ăn; người lớn phải nhịn ăn để giành cho trẻ em và cắt giảm chi phí y tế, giáo dục để giành ưu tiên cho thực phẩm”.
Cũng theo báo cáo, “phần lớn các gia đình tị nạn ngày càng mắc nợ, đa số là tiền vay để mua thức ăn và gần 87% các gia đình xác định thực phẩm là ưu tiên chính, tiếp theo là nơi ở và y tế”.
Hôm 21/11, Thủ tướng tạm quyền Liban Najib Mikati thông báo WFP sẽ viện trợ 5,4 tỷ USD cho quốc gia Trung Đông trong 3 năm tới. Phát biểu họp báo ở Beirut, ông Mikati nêu rõ số tiền viện trợ sẽ được chia đều cho công dân Liban và người Syria tị nạn tại nước này. Quyết định được đưa ra trong cuộc họp gần đây nhất của Ban điều hành WFP tại Rome (Italy).
Trong khi đó, ông Alwardat thông báo WFP sẽ tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp bằng hiện vật và tiền mặt. Gói viện trợ mới sẽ giúp đỡ 1 triệu người tị nạn Syria và 1 triệu người Liban trong khoảng thời gian 2023 - 2025.
Khoảng 2 triệu người Syria đang tị nạn tại Liban. Gần 830.000 người trong số đó đã được đăng ký với LHQ. Các chương trình của WFP đã hỗ trợ người Syria tị nạn tại Liban kể từ năm 2012, khi nhiều người bắt đầu rời quê hương để chạy trốn cuộc xung đột nổ ra một năm trước đó.
Kể từ năm 2019, Liban đã rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Theo LHQ, cuộc khủng hoảng tài chính khiến tỷ lệ nghèo đói lên tới hơn 80% dân số Liban, do giá lương thực tăng 2.000%. Hầu hết những người tị nạn Syria sống trong cảnh nghèo đói do những khó khăn kinh tế của Liban. Cuối năm 2020, LHQ ghi nhận 89% trong số họ sống trong tình trạng nghèo đòi cùng cực, so với 59% vào năm 2019.