Vụ tràn dầu tại vùng biển ngoài khơi Braxin hồi đầu tháng 11/2011 chính là lời cảnh tỉnh cho nước này nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp trong hoạt động khai thác dầu khí, nhất là khi Braxin đang chuẩn bị tiến hành khai thác các mỏ dầu ở vùng nước sâu, có trữ lượng rất dồi dào.
Dầu tràn từ giếng dầu của Chevron - Ảnh: Internet |
Mới đây, Cơ quan dầu khí quốc gia Braixn (ANP) đã tuyên bố tước phép tạm thời việc khoan các giếng dầu mới của Tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ, sau khi để xảy ra sự cố làm 416 nghìn lít dầu tràn ra vùng biển ngoài khơi cách bờ biển bang Rio de Janeiro của Braxin 370 km về phía Đông Bắc. Các nhà chức trách Braxin cho biết tình trạng rò rỉ dầu hiện đang được kiểm soát và diện tích dầu loang đã được thu hẹp xuống còn 2 km2, song ANP nhấn mạnh các hoạt động của Chevron tại Braxin sẽ phải tạm ngừng cho đến khi nguyên nhân và trách nhiệm vụ tràn dầu trên được xác định cũng như các điều kiện an toàn được tái lập tại khu vực này.
Theo ANP, các giếng dầu tại khu vực nước sâu 7.000 m dưới đáy biển Braxin, nằm dưới tầng muối bazơ, có trữ lượng ước đạt trên 100 tỷ thùng. Dự kiến, “gã khổng lồ” dầu khí của Mỹ sẽ phải chịu các án phạt lên đến 145 triệu USD do các thiệt hại về môi trường gây ra bởi sự cố tràn dầu trên.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cơ sở hạ tầng Braxin, Adriano Pires nói: "Sự cố tràn dầu của Chevron cho thấy rằng hoạt động khai thác dầu từ đáy biển là không hề dễ dàng". Hiện nay, 80% sản lượng dầu thế giới được khai thác từ lòng đất, tuy nhiên, hoạt động khai thác dầu ngoài khơi cũng đang ngày càng được đẩy mạnh. Các công ty dầu khí lớn như Petrobras của Braxin, tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoan dầu nước sâu, đã triển khai các phương tiện tinh vi để thực hiện khai thác dầu tại những khu vực khó này. Tuy nhiên, các công ty này cần phải chuẩn bị các biện pháp mạnh đối phó với các vụ tràn dầu bất ngờ tương tự như sự cố của Chevron ở ngoài khơi Braxin và của BP tại Vịnh Mêhicô hồi tháng 4/2011, đồng thời tuân theo các quy trình về bảo vệ môi trường.
Ông Pires nhấn mạnh: "Biến dầu thành tài sản là một quá trình rất khó khăn và đòi hỏi chi phí cao. Cổ phiếu của Chevron đã giảm xuống 12% trong vài ngày qua, trong khi cổ phiếu của BP cũng giảm tới 20% sau khi xảy ra sự cố tràn dầu hồi năm ngoái".
Minh Trang (Theo AFP)