Phát biểu với báo giới, Phó Tổng công tố Thụy Điển Eva-Marie Persson tuyên bố nước này đã quyết định mở lại cuộc điều tra và sẽ hoàn tất cuộc điều tra sơ bộ, vốn bị ngừng vào năm 2017. Theo bà, vẫn có chứng cứ cho thấy ông Assange đã xâm hại tình dục và cần tiến hành một cuộc thẩm vấn mới đối với ông Asange.
Trong khi đó, tổng biên tập WikiLeaks, bà Kristinn Hrafnsson cho rằng việc Thụy Điển mở lại cuộc điều tra đối với nhà sáng lập Assange sẽ giúp ông này có cơ hội chứng minh mình vô tội.
Ngày 11/4 vừa qua, cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador với cáo buộc vi phạm các điều khoản bảo lãnh tại ngoại cách đây 7 năm, và theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ liên quan tới việc WikiLeaks phát tán hàng nghìn tài liệu chính thức của quốc gia này.
Ông này đã tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012 để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử các cáo buộc xâm hại tình dục và cưỡng hiếp. Ông Assange luôn phủ nhận mọi cáo buộc trên và gọi đó là âm mưu chính trị, liên quan tới vụ rò rỉ thông tin mật của quân đội Mỹ và nhiều tài liệu ngoại giao của quốc gia này. Ông này cũng luôn khẳng định việc bị dẫn độ về Thụy Điển sẽ mở đường cho quá trình dẫn độ ông về Mỹ.
Cáo buộc xâm hại tình dục nhằm vào nhà sáng lập WikiLeaks đã hết hạn từ năm 2015 và năm 2017, các công tố viên Thụy Điển đã ngừng cuộc điều tra sơ bộ với cáo buộc cưỡng hiếp với lý do không thể tiếp cận nghi phạm. Sau khi ông Assange bị bắt, nạn nhân nữ người Thụy Điển từng tố cáo ông này tấn công tình dục và cưỡng hiếp đã yêu cầu mở lại điều tra vụ việc.
Ngày 1/5 vừa qua, ông Assange đã bị tuyên phạt 50 tuần tù giam do vi phạm các điều khoản bảo lãnh của một tòa án Anh hồi năm 2012 khi ông tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh. Tuy nhiên, Nhóm công tác của Liên hợp quốc (LHQ) về chống giam giữ tùy tiện cho rằng mức án trên là "bất hợp lý".