Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, vai trò của Giải thưởng ASEAN trong việc thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về các giá trị và nguyên tắc cốt lõi của ASEAN dựa trên Hiến chương ASEAN đã được các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận. Trong Tuyên bố Chủ tịch, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chúc mừng Viện nghiên cứu Mekong đã được nhận Giải thưởng ASEAN năm 2021, ghi nhận thành tích của tổ chức này trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển tiểu vùng, đóng góp vào hợp tác và hội nhập khu vực rộng lớn hơn, nhất là trong phát triển nông nghiệp và thương mại hóa.
Phát biểu chúc mừng, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã ghi nhận khát vọng của Viện nghiên cứu Mekong trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và cách thức của cơ sở nghiên cứu này tạo ra sức mạnh và động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực. Tổng thư ký Dato Lim khẳng định: “Vai trò chủ chốt của Viện nghiên cứu Mekong trong phát triển cộng đồng và nâng cao năng lực, xuất bản cũng như các chương trình nghiên cứu và đào tạo đã giúp thu hẹp khoảng cách trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng công bằng hướng tới một Cộng đồng ASEAN toàn diện, gắn kết và thịnh vượng”.
Về phần mình, Giám đốc Điều hành Viện nghiên cứu Mekong Suriyan Vichitlekarn bày tỏ vinh dự thay mặt cho những người đã không ngừng nỗ lực phát triển tiểu vùng sông Mekong và hợp tác vì một ASEAN mạnh mẽ hơn. Ông nói thêm rằng Giải thưởng củng cố quyết tâm phấn đấu của Viện nghiên cứu Mekong trong việc trao quyền cho người dân, kết nối các quan hệ đối tác và ủng hộ sự thay đổi tích cực, nhất là vào thời điểm đại dịch này.
Giải thưởng ASEAN là giải thưởng thường niên cấp khu vực được Ban Thư ký ASEAN quản lý, nhằm tôn vinh các cá nhân hoặc tổ chức có trụ sở tại ASEAN đạt được những thành tích xuất sắc và đóng góp quan trọng cho các nỗ lực xây dựng cộng đồng. Người nhận giải sẽ nhận được cúp và giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 20.000 USD do Quỹ Temasek của Singapore và Quỹ Yayasan Hasanah của Malaysia tài trợ.
Năm 2021 đánh dấu lần thứ tư Giải thưởng ASEAN được trao. Năm 2018, bà Erlinda Uy Koe - nhà hoạt động người Philippines đấu tranh vì những người mắc chứng tự kỷ - đã nhận được Giải thưởng ASEAN đầu tiên vì những đóng góp trong việc thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN hòa nhập.
Năm 2019, nhà lãnh đạo nhân đạo người Malaysia, Tiến sĩ Jemilah Mahmood đã được trao giải vì những cống hiến trong việc cung cấp các nhu cầu khẩn cấp và ứng phó nhân đạo cho những người bị thiệt thòi và bị ảnh hưởng trong khu vực.
Năm 2020, Giải thưởng ASEAN đã được trao cho Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore vì những đóng góp lâu dài vào việc thúc đẩy nhận thức về ASEAN thông qua cách tiếp cận học thuật và gắn kết với các bên liên quan.