Nếu thông tin của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (MIISM) ở California (Mỹ) chính xác, thì đây là động thái mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng vẫn thúc đẩy các chương trình vũ khí ngay cả khi Mỹ đang gây áp lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình này.
Theo Viện MIISM, ảnh vệ tinh cho thấy đây là nhà máy sản xuất các tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn - vốn có thể được tích hợp đầu đạn hạt nhân để tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á – cũng như các tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm bắn xa hơn có thể vươn tới mục tiêu nằm trong lục địa Mỹ.
Các bức ảnh cho thấy Triều Tiên đã hoàn tất việc xây dựng khuôn viên nhà máy vào khoảng thời gian nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên với Tổng thống Donald Trump ở Singapore hồi tháng trước. Tại cuộc gặp này, ông Trump đã hối thúc Bình Nhưỡng giải giáp kho hạt nhân, chấm dứt các chương trình vũ khí sinh hóa và tên lửa đạn đạo. Viện trên cho hay hoạt động xây dựng diễn ra tại nhà máy tên lửa ở thành phố Hamhung.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết “hành động để hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”, song không đề ra một thời gian biểu cụ thể hay cam kết với lập tức hành động liên quan tới chương trình vũ khí. Song sau đó Tổng thống Trump nói với báo giới rằng Triều Tiên sẽ “khởi động ngay tiến trình này” và “mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên không còn nữa”.
Ngày 1/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến sớm gặp giới chức cấp cao Triều Tiên để hoạch định một lộ trình cụ thể về phương thức Bình Nhưỡng có thể giải giáp các chương trình vũ khí của mình trong vòng 1 năm.
Ngày 1/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khi được hỏi đã từ chối bình luận về các vấn đề an ninh, song nhấn mạnh Washington “đang theo dõi sát sao Triều Tiên trong bối cảnh hai bên triển khai các thỏa thuận”.