Vì sao Helsinki là địa điểm lý tưởng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga?

Helsinki được coi là địa điểm hợp lý để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga vì nơi này có vai trò lịch sử trong mối quan hệ Mỹ-Liên Xô ngày trước.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức nói chuyện với Tổng thống Mỹ Gerald Ford tại Helsinki tháng 8/1975. Ảnh: AFP/Getty

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki, Phần Lan vào ngày 16/7, đánh dấu hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo.

 

Sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian phức tạp của quan hệ Nga-Mỹ: Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ và tiếp tục hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn làm ấm mối quan hệ với người đồng cấp Putin.

 

Theo tạp chí Time, thủ đô Helsinki được coi là địa điểm hợp lý để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga, vì nơi này có vai trò lịch sử trong mối quan hệ Mỹ-Liên Xô ngày trước.

 

Nơi ra đời Hiệp ước Helsinki

 

Năm 1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford cùng nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev và đại diện 33 nước khác, gồm châu Âu và Bắc Mỹ, ký kết Hiệp ước Helsinki – một tuyên bố chung thể hiện mong muốn làm sống lại tinh thần hòa hoãn giữa Liên Xô và Mỹ cùng các đồng minh của hai nước trong Chiến tranh Lạnh.

 

Nơi Tổng thống George H.W. Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev gặp nhau

 

Năm 1990, ngay trước khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Tổng thống George H. W. Bush đã gặp lãnh đạo Mikhail Gorbachev tại thủ đô Helsinki để thảo luận về khủng hoảng mới nhất lúc bấy giờ của thế giới: leo thang căng thẳng tại Vịnh Ba Tư, từ đó dẫn tới Cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ I.

 

Tổng thống Bush không yêu cầu ông Gorbachev góp quân cho lực lượng đa quốc gia đang tập trung để đối đầu với nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Phát biểu tại Phần Lan, Tổng thống Bush cho biết: “Ngay tại lúc này ở Helsinki, nhà lãnh đạo Gorbachev và tôi gặp mặt, hy vọng thắt chặt lối tiếp cận chung”.

 

Phần Lan không phải là thành viên NATO

 

Phần Lan được coi là một vùng lãnh thổ trung lập đối với cả Tổng thống Trump và Putin vì nước này không phải là thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Phần Lan luôn nỗ lực trở thành một nhân tố cân bằng, duy trì lập trường trung lập giữa phương Tây và phương Đông.

 

Vị trí không phải là thành viên NATO của Phần Lan cũng giúp Tổng thống Trump có cơ hội thể hiện cử chỉ mang tính biểu tượng mang ý nghĩa thay đổi trong mối quan hệ quốc tế: Ông sẽ không ở lãnh thổ NATO để gặp Tổng thống Putin – một động thái nhấn mạnh quan điểm của ông chỉ trích các nhà lãnh đạo NATO khi gây sức ép, muốn họ chi thêm tiền cho ngân sách quốc phòng để giảm gánh nặng cho Mỹ.

 

Tổng thống Trump tiện đường đến châu Âu

 

Ngoài khía cạnh lịch sử, một lý do thực tiễn khác khiến Helsinki trở thành địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin là trong ngày dự kiến tổ chức, Tổng thống Trump cũng đã có mặt tại châu Âu. Theo lịch trình, Tổng thống Trump sẽ tới Bỉ để dự cuộc họp thượng đỉnh NATO vào ngày 11-12/7 và có chuyến công du tới Anh đầu tiên sau đó.

 

Dễ dàng cho Tổng thống Putin di chuyển

 

Sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2018, hiện diễn ra ở Nga, sẽ bế mạc tại thủ đô Moskva vào tối 15/7 – một ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Putin.

 

Phần Lan có chung đường biên giới với Nga và Helsinki chỉ cách thủ đô Moskva chưa đầy hai giờ bay, trở thành một điểm đến thuận lợi cho Tổng thống Putin, khi ông còn phải tham dự lễ bế mạc World Cup.

 

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Đây là lý do Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin khiến đồng minh của Mỹ khó chịu
Đây là lý do Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin khiến đồng minh của Mỹ khó chịu

Mỹ-Nga đã nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào ngày 16/7. Tuy nhiên, tin vui này có thể khiến một số đồng minh của Mỹ tức giận và khiến ông Trump bị chính giới trong nước chỉ trích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN