Việc làm tương lai - Bài 4: Thích nghi với thay đổi trong thời đại 4.0

Công nghệ số và tự động hóa trong thời đại 4.0 đang đặt ra vấn đề cấp bách về thay đổi và thích nghi, làm sau để khai thác hiệu quả tiềm năng của phương thức làm việc mới và đảm bảo cơ hội cho người lao động.

Theo các chuyên gia, “cuộc chiến” giữa Uber và taxi truyền thống là một ví dụ điển hình khi nói đến sự thay đổi trong một tương lai công nghệ phát triển.  

Chú thích ảnh
“Cuộc chiến” giữa Uber và taxi truyền thống là một ví dụ điển hình khi nói đến sự thay đổi trong một tương lai công nghệ phát triển. Ảnh: Reuters

Khi ra mắt tại New York, Mỹ, năm 2011, Uber mô tả tầm nhìn kinh doanh của mình như một mô hình nơi tất cả các bên cùng được hưởng lợi. Khách hàng được thuê xe với mức giá ưu đãi hơn, trong khi những người sở hữu xe hơi có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Sau 7 năm hoạt động, Uber hiện vận hành tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 600 thành phố. Tại hầu hết những thị trường mà thương hiệu này đặt chân qua, từ Hy Lạp, Tây Ban Nha tới Hong Kong (Trung Quốc), Maroc... Uber đều vấp phải làn sóng phản đối từ giới taxi truyền thống. Rõ ràng, chiến lược “các bên cùng có lợi” ban đầu của Uber đã không tính đến các công ty taxi, những người chỉ trích mô hình như Uber đang cướp đi cơ hội và công việc kinh doanh của họ. Bhairavi Desai, Chủ tịch Liên minh các nhân viên taxi New York, thậm chí đã miêu tả làn sóng phản đối Uber là “một cuộc đấu tranh chống lại sự hủy diệt nhằm vào những công việc toàn thời gian”.

Cơ hội không mất đi

Tiến sĩ Linda Nierling thuộc Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT), Đức, cho rằng sự phát triển của công nghệ đang tạo ra nhiều thay đổi trên thị trường kinh doanh và việc làm, một số công việc bị đe dọa, một số đứng trước sức ép phải thay đổi, nhưng cơ hội và việc làm không mất đi trong thời đại số, chúng chỉ chuyển hóa sang các dạng thức mới, đòi hỏi người lao động cần phải cập nhật tư duy để nắm bắt và theo kịp. 

Một ví dụ về cơ hội trong thời đại số là mô hình “crowdwork”, có thể hiểu là mô hình làm việc tận dụng nguồn lực đám đông. Đây là những thị trường việc làm trên nền tảng web bắt nguồn từ trào lưu “outsourcing” (thuê ngoài gia công) bùng nổ trong thập niên 90 nhờ vào sự phát triển của kết nối Internet tốc độ cao và World Wide Web. Chúng là những trang mạng như Upwork, Jovoto, Crowdworks, Mechanical Turk… nơi những người làm nghề tự do có thể tìm kiếm các công việc ngắn hạn, trong khi các công ty, cá nhân tìm người để thực hiện các công việc họ không thể tự thực hiện. 

Koichiro Yoshida, người sáng lập Crowdworks, trang web việc làm tự do hàng đầu Nhật Bản, dự báo mô hình tận dụng nguồn lực đám đông là hướng đi đúng đắn cho thị trường việc làm tương lai. Bởi trên thực tế, ngay cả các công ty lớn hiện nay cũng không còn khả năng sử dụng nhiều người nữa. Tại Nhật Bản, những “người khổng lồ” như Sony và Panasonic đang có chiều hướng thuê ít nhân viên toàn thời gian hơn. Xu hướng cắt giảm này là một hệ quả khác của thời đại số, với sự lên ngôi của những công ty “gọn nhẹ” nhưng có tính động lực cao, đại diện cho khả năng thích ứng nhanh cần thiết để sinh tồn trong một thời đại thay đổi và phát triển không ngừng. Trong bối cảnh đó, những tập đoàn đồ sộ và phức tạp của thời kỳ trước không còn cách nào khác ngoài nỗ lực tinh giản bộ máy, cải tiến phương thức làm việc để theo kịp thời đại số. 

Trở lại với phát biểu của Chủ tịch Liên minh các nhân viên taxi New York về “sự hủy diệt nhằm vào các công việc toàn thời gian”, Tiến sĩ Nierling cho rằng nếu tiếp tục giữ cách tư duy rằng “công việc” chỉ để nói về những việc làm toàn thời gian, với lương và giờ làm cố định, thì cơ hội hẳn là đang biến mất trong thời đại số. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận gắn khái niệm này với những việc làm thời vụ, theo nhu cầu như lái xe Uber, cho thuê nhà Airbnb hay làm nghề tự do trên các trang mạng crowdwork, thì cơ hội của người lao động đang tăng lên từng ngày. Và việc thay đổi tư duy này là cần thiết, bởi dù chúng ta có muốn hay không, các mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp các giá trị cung-cầu của thời đại số đã và đang xóa nhòa ranh giới giữa công việc bán thời gian và toàn thời gian để dần dần sinh ra một khái niệm “lai” là “những người làm bán thời gian toàn thời gian”  hay “những người làm nghề tự do chuyên nghiệp”. 

Làm quen với những thay đổi này không dễ dàng, nhưng xét về mặt tích cực, số hóa đang mang lại cơ hội đồng đều hơn cho các cá nhân, đặc biệt là những người trước đây vốn không có điều kiện cho một công việc toàn thời gian hoặc đòi hỏi thời gian làm việc cố định. Bên cạnh đó, người lao động cũng có điều kiện vươn xa hơn, tìm đến cơ hội ở những thị trường nước ngoài.

Những giá trị không thể thay thế

Bên cạnh mối lo về xu thế số hóa còn là những e ngại đối với làn sóng tự động hóa và robot. Một khảo sát tiến hành tại Liên minh châu Âu (EU) năm 2017 cho thấy phần đông người dân châu Âu có cái nhìn thiếu lạc quan đối với sự phát triển của công nghệ và tương lai việc làm. Cụ thể, có hơn 70% người dân EU cho rằng sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ khiến nhiều việc làm bị mất đi hơn là việc làm được tạo ra, áp đảo hoàn toàn so với khoảng 20% có ý kiến ngược lại. Nghiên cứu nổi tiếng “Tương lai của việc làm” của Đại học Oxford dự báo những công việc bị tự động hóa “rình rập” nhất sẽ là những công việc mang tính chu trình lặp đi lặp lại như tiếp thị qua điện thoại, thu ngân, tài xế taxi, đầu bếp nhà hàng thức ăn nhanh… 

Các chuyên gia cho rằng cơ hội của người lao động nằm ở việc tập trung khai thác những kỹ năng của con người mà máy móc không thể thay thế. Theo Tiến sĩ Birgit Graf của Viện Fraunhofer về Tự động hóa và kỹ thuật sản xuất (Đức), cũng là thành viên dự án phát triển robot chăm sóc người cao tuổi SeRoDi, những kỹ năng nói trên là khả năng giao tiếp, sự quan tâm chăm sóc giữa người với người. Robot có thể giúp mang nước uống, thức ăn, đồ vật cho người cao tuổi, song chúng sẽ không thể bầu bạn hay động viên tinh thần tốt như một y tá hay hộ lý. Chung quan điểm này, Reinhard Karger, người phát ngôn Trung tâm Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Đức (DFKI), chỉ ra 2 phạm trù trí tuệ mà robot không thể sánh với con người, đó là trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) và trí tuệ xã hội (Social Intelligence). Khi chuyển sang kỹ năng thì đây sẽ là những kỹ năng mềm như giao tiếp, tư vấn, ngoại giao,…

Tiến sĩ Tim Schwartz, chuyên gia Trung tâm Power4Production về Cách mạng 4.0 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại dùng câu chuyện về tính toán sai lầm của hãng Tesla đối với ứng dụng tự động hóa trong dây chuyền sản xuất để chứng minh dù tự động hóa đang có những bước phát triển chóng mặt, con người vẫn vượt trội máy móc về khả năng phản ứng và điều chỉnh trước những tình huống bất ngờ. Không thể phủ nhận các thuật toán tiên tiến hiện nay có thể giúp AI nhạy bén hơn con người trong một số công việc như nhận biết đèn giao thông hay vật cản trên đường. Tuy nhiên, khả năng phản ứng trước những thay đổi, đặc biệt là thay đổi bất chợt, của môi trường xung quanh là một loại kỹ năng được hình thành qua quá trình tiến hóa và học tập liên tục của con người, và do đó không dễ dàng để chuyển hóa sang các thuật toán cho robot. 

Như vậy, người lao động sẽ chỉ đánh mất cơ hội trước sự phát triển của công nghệ khi họ tự cho phép bản thân ngừng trau dồi các kỹ năng, không thay đổi tư duy và tiếp cận để theo kịp bước chân của thời đại. Hay như phát biểu của Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder: “Tương lai của việc làm sẽ do con người tạo ra. Thách thức đối với chúng ta là làm sao tạo ra một tương lai mà chúng ta mong muốn”.

Minh Ngọc (TTXVN)
Việc làm tương lai - Bài 3: Để AI trở thành 'trợ lý' của con người
Việc làm tương lai - Bài 3: Để AI trở thành 'trợ lý' của con người

Trí tuệ nhân tạo (AI), một công nghệ chỉ mới vài thập niên trước vẫn được coi như khoa học viễn tưởng, nay đã bắt đầu len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN