Viện Kỹ thuật Công nghiệp Fraunhofer (Fraunhofer IAO) và Công ty tư vấn xây dựng quốc tế Drees and Sommer là hai cơ sở đi đầu nghiên cứu về môi trường làm việc của con người trong tương lai. Từ không gian sản xuất tại các dây chuyền lắp ráp tới những văn phòng công sở hiện đại, hướng đi chung của các chuyên gia là khai thác và ứng dụng công nghệ để mang đến cho người lao động một môi trường làm việc với những tiện ích và hỗ trợ tốt nhất, qua đó thúc đẩy tối đa những tiềm năng của con người cùng một tương lai bền vững.
Từ nhà xưởng tới văn phòng
Trạm làm việc di động là một nội dung trưng bày trọng tâm của Phòng thí nghiệm “Công việc tương lai”, thuộc Fraunhofer IAO. Tại Trạm, người lao động được cung cấp một không gian hiện đại với nhiều công nghệ tiên tiến, từ robot tự hành giúp vận chuyển công cụ và tài liệu, kính Hololens …, cho tới các chương trình hướng dẫn chu trình lắp ráp như Trợ lý lắp ráp hay Qualification 4.0. Những chương trình này được hướng đến như là giải pháp hiệu quả và kinh tế cho các công xưởng mong muốn huấn luyện đội ngũ người lao động làm quen với công nghệ mới. Đây được xem là đại diện cho mô hình không gian làm việc tại các dây chuyền sản xuất mà các chuyên gia tin sẽ trở nên phổ biến trong tương lai.
An toàn lao động cũng là một nội dung được quan tâm tại Phòng thí nghiệm “Công việc tương lai”, dựa trên tầm nhìn về một môi trường làm việc gia tăng tương tác giữa con người và máy móc công nghệ cao. Tại đây, các chuyên gia đang phát triển các thiết bị ứng dụng cảm biến quang học 3D và công nghệ hiện đại khác có khả năng phân tích tình huống trực tiếp để phát hiện và cảnh báo tức thời nguy cơ tai nạn lao động.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu “Công nghệ tương tác hình ảnh” của Tiến sĩ Matthias Bues tập trung đẩy mạnh phát triển những sáng kiến cho khu vực văn phòng. Dự án nổi bật là ProDesk, một hệ thống cho phép mở rộng không gian của màn hình máy tính sang bề mặt bàn làm việc. Theo Tiến sĩ Bues, cơ chế của ProDesk tương tự như việc sử dụng 2 màn hình cho một máy tính, nhưng trong trường hợp của ProDesk, chiếc màn hình thứ hai chính là bề mặt bàn làm việc của người dùng. Nhờ cảm biến điện dung cài đặt bên trong mặt bàn, những mặt bàn làm việc có thể trở thành các màn hình cảm ứng hỗ trợ cho những công việc nhóm cần sự tham gia của nhiều người.
Nhóm nghiên cứu “Đổi mới không gian việc làm”, Trung tâm Kỹ thuật ảo, cũng thuộc Fraunhofer IAO, lại tâp trung nghiên cứu về tối ưu hóa không gian văn phòng của tương lai. Một đặc trưng của các văn phòng tương lai sẽ là các không gian được phân bổ và thiết kế theo nhu cầu công việc, như không gian cho công việc cần tập trung cao, công việc cần trao đổi nhóm và công việc thông thường. Ngoài ra, yếu tố tương tác tập thể cũng sẽ được coi trọng, các nhân viên sẽ không có vị trí cố định mà có thể thay đổi chỗ ngồi hằng ngày với mục đích thúc đẩy trao đổi và học hỏi lẫn nhau.
Khi “thông minh” không chỉ mang ý nghĩa số hóa
Yếu tố quan trọng nhất đối với các không gian làm việc của tương lai là sự linh hoạt. Trước ngưỡng cửa của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, được dự báo sẽ kèm theo những thay đổi và cải tiến chóng mặt, các không gian cần được thiết kế sao cho có thể chuyển đổi mục đích sử dụng nhanh chóng, hiệu quả và ít tốn kém khi cần thiết.
Linh hoạt cũng là yếu tố khiến Drees and Sommer, công ty tham gia đoàn điện khí Siemens tại Munich (Đức), sân vận động của CLB bóng đá nhiều dự án bao gồm trụ sở của hãng truyền thông BBC tại London (Anh), trụ sở tập Barcelona (Tây Ban Nha)… đặt niềm tin vào những tòa nhà thông minh (Blue Building), coi đây là chìa khóa mở ra các không gian làm việc của tương lai.
Một tòa nhà thông minh Blue Building được trang bị hệ thống Internet Vạn vật (IoT). Thiết bị điều khiển trung tâm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ vận hành như “não bộ” của tòa nhà, cho phép tất cả các hệ thống tự động hóa và các yếu tố kỹ thuật kết nối và hoạt động nhịp nhàng với nhau. Các tòa nhà số hóa này vận hành chủ yếu dựa trên “phần mềm”, do đó giảm nguy cơ trở nên lỗi thời bởi tương tự như các thiết bị điện tử thông minh, các tòa nhà này có thể cập nhật phần mềm để bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.
Khái niệm Blue Building là một dạng nâng cấp của Green Building, tức là những kiến trúc xây dựng thân thiện với môi trường và sinh thái. Điều này có nghĩa là những tòa nhà thông minh Blue Building không chỉ hiện đại mà còn cần đáp ứng yếu tố bền vững và “xanh”. Giải pháp mà các chuyên gia Drees and Sommer lựa chọn là “Cradle to Cradle” (C2C), một sáng kiến được hai nhà nghiên cứu Michael Braungart và William McDonough phát triển vào những năm 1990 của thế kỷ trước, hướng đến việc sử dụng nguyên liệu thô theo phương thức có thể tái chế theo chu kỳ liên tục.
Giải thích một cách đơn giản, các tòa nhà xây dựng theo giải pháp C2C có thể coi như một kho lưu trữ nguyên liệu thô, sau khi hết thời hạn sử dụng, chúng sẽ được tháo dỡ thành các thành phần vật liệu đơn lẻ có thể tiếp tục được tái sử dụng. Tuy nhiên, để làm được điều này, các sản phẩm và kiến trúc xây dựng phải được chuẩn bị ngay từ giai đoạn thiết kế.
Các chuyên gia của Drees and Sommer tin tưởng những Blue Building như Cube Berlin (dự án khu phức hợp văn phòng số hóa dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2019 tại trung tâm thủ đô nước Đức) sẽ đặt nền tảng cho những thành phố thông minh (Blue City) của tương lai, nơi khái niệm thông minh không chỉ bó hẹp trong phạm vi số hóa công nghệ mà bao hàm ý nghĩa rộng hơn về một lối sống thông minh, với những không gian hiện đại nhưng không đánh mất các giá trị bền vững, không đe dọa tới môi trường, hệ sinh thái và các thế hệ tương lai.