Vì sao 'siêu cường Mỹ' lại yếu thế trước 'Trung Quốc trỗi dậy'?

Thật không thể tưởng được được sự táo bạo của Trung Quốc khi liên tục có những hành động “vượt mặt” Mỹ. Trong mọi vấn đề - từ rào cản thương mại, do thám công nghiệp hay ăn cắp bản quyền, Bắc Kinh đang hành xử theo cách coi sức mạnh Mỹ chỉ còn là “thùng rỗng”. Mỹ hiện không có đủ can đảm để đối đầu với Trung Quốc, mà nguyên do là quyền lực kinh tế của Chú Sam đã tụt giảm ở mức độ nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ khi vươn tới vị thế cường quốc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đang có mặt tại Bắc Kinh để dự Đối thoại kinh tế - chiến lược Mỹ - Trung, có vẻ như cũng không giúp thay đổi được xu thế này. Ngược lại, mọi thông điệp phát đi cho thấy: Ông Kerry đang cố gắng đưa quan hệ Mỹ - Trung đi theo con đường "ngoại giao lòng vòng", với biểu hiện chủ yếu là giả dối, thỏa hiệp, màu mè - điều mà Bắc Kinh đã quen và thích.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược, Kinh tế Mỹ - Trung hôm 9/7. Ảnh: TTXVN phát


Có thể đa phần người Mỹ chưa nhận ra (hoặc là bị truyền thông đánh lừa), nhưng đây là một thực tế: Trung Quốc hiện là người “trên cơ” trong quan hệ với Mỹ. Yếu tố then chốt quyết định sự yếu thế, phụ thuộc của Mỹ là ở chỗ: Họ phụ thuộc quá lớn vào nền tài chính, nguồn tiền của Bắc Kinh trong việc xử lý thâm thủng ngân sách kinh niên. Ngược lại, Trung Quốc lại tiếp cận rộng rãi với công nghệ chế tạo của Mỹ trong quá trình chuyển giao sản xuất.

Các nhà chế tạo Mỹ từ lâu đã dứt bỏ quan điểm vì lợi ích quốc gia. Đứng đầu bởi tập đoàn Ford và General Motors, họ thấy không còn cách nào khác là hợp tác với Trung Quốc trong nghị trình chuyển giao. Điểm mấu chốt là ở chỗ, dù các nhà công nghiệp này có làm thế nào đi nữa để từ chối yêu cầu của Bắc Kinh thì họ cũng chẳng nhận được sự trợ giúp nào của chính quyền Mỹ. Trong khi đó, nếu chịu đáp ứng, họ có thể kiếm được chút lợi nhuận.

Sai lầm của Mỹ là ở đâu? Người Trung Quốc đã tìm ra được câu trả lời: Đó chính là việc Mỹ ỷ vào thế lãnh đạo “trí tuệ” - yếu tố không còn đúng tuyệt đối để xác lập vị thế trong kỉ nguyên hiện đại. Cụ thể, 4 nhân tố dưới đây đã làm Mỹ tụt lại sau Trung Quốc.
Một là, giới hoạch định chính sách Mỹ đã hậu thuẫn cho một xu hướng sai khi ưu tiên kinh tế thông tin hơn sản xuất truyền thống. Vấn đề ẩn sau nền kinh tế thông tin là ở chỗ: Đó là những ngành sử dụng tương đối nhiều nhân công (labour-intensive); đối lập với ngành sản xuất hiện đại thiên về sử dụng nhiều vốn (capital-intensive) mà Nhật Bản và Đức là những nước điển hình.

Đối với một quốc gia có mong muốn vươn lên Top đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người, thì sản xuất dựa trên mô hình nhiều nhân công chẳng có ý nghĩa gì. Hơn nữa, kinh tế thông tin không có ưu thế về xuất khẩu, vì hầu hết các tiến bộ trong khoa học sẽ lại được các nước khác “bê nguyên” dễ dàng. Ngược lại, nền kinh tế hướng vào sản xuất đương nhiên sẽ đưa Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu khổng lồ, giúp tích tụ thặng dư tài chính quy mô lớn.

Hai là, các nhà hoạch định chính sách ở Washington đã chần chừ trong việc đối phó “thách thức từ Trung Quốc”, vì hơn một thập kỉ qua họ vẫn luôn ảo tưởng vào những dự đoán mơ hồ cho rằng nền tài chính Trung Quốc đang đứng bên bờ sụp đổ. Trung Quốc là một nền kinh tế lớn và sự sụp đổ tài chính quy mô lớn là điều không tưởng. Ngay cả khi khủng hoảng xảy ra, nó cũng không thể chấm dứt động lực xuất khẩu của Trung Quốc. Mỹ đã thất bại khi không lưu tâm đúng mức đến mục tiêu cốt lõi trong chính sách của Trung Quốc - đó là vượt qua Mỹ, Nhật, Đức để trở thành nước đứng đầu thế giới trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm chế tạo tinh vi.

Ba là, Mỹ quá tự mãn về ưu thế cải tiến công nghệ, tự cho mình không có đối thủ về “văn hóa cải tiến”. Mỹ nghĩ như vậy với lý lẽ đây là đặc điểm đặc trưng, xuất phát từ thực tế “Mỹ là xã hội tự do và cởi mở”. Lãnh đạo Mỹ cho rằng Trung Quốc chẳng bao giờ đạt tới các thành tựu kinh tế như Mỹ, vì đơn giản muốn làm được điều đó thì Trung Quốc trước hết phải vươn tới một “nền tự do kiểu Mỹ”. Lối suy nghĩ như vậy thật buồn cười. Ai Cập cổ đại duy trì chế độ nô lệ, không phải là một xã hội tự do, nhưng vẫn đầy sáng tạo khi xây nên những kim tự tháp huyền thoại. Sáng tạo cũng là đặc điểm nhận thấy ở Đức trong những năm 1930, dù nước Đức thời Quốc xã chẳng phải là một xã hội tự do. Thực tế, động lực đưa đến sáng tạo là sự giàu có chứ không phải tự do. Một xã hội thịnh vượng hơn sẽ đưa đến mức đầu tư tốt hơn cho các ý tưởng và công nghệ mới. Trung Quốc hiện đã trở thành nước có tính sáng tạo và là người đi đầu trong một số lĩnh vực trọng điểm, được xem là xương sống của tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Cuối cùng, giới hoạch định chính sách tại Washington phạm phải điều hoang tưởng tồi tệ, khi nghĩ rằng bằng cách thực thi một chính sách ngoại giao “chủ động”, Mỹ sẽ đẩy lui được đà tiến của Trung Quốc. Đã có người nói rằng: “Trung Quốc là quyền lực thụ động, luôn ngoảnh mặt đi trước những thách thức và giấu mình trước các cuộc khủng hoảng quốc tế”. Họ lấy dẫn chứng là phản ứng của Bắc Kinh trong vấn đề Syria, Ukraine. Đây có thể là luồng quan điểm thắng thế ở Washington, nhưng không phải là ở Bắc Kinh. Người Trung Quốc thì nhìn nhận một cách đơn giản hơn: Mỹ đang trở thành nước bị ghét bỏ khi lúc nào cũng muốn can thiệp vào công việc của các nước khác, như tại Iraq và Afghanistan - những nước mà giới phân tích, hoạch định chính sách chẳng hiểu gì về nền văn hóa của họ.
 
* Trên đây là nội dung bài bình luận của nhà báo Eamonn Fingleton đăng trên tờ tạp chí Forbes (Mỹ) bản điện tử ngày 9/7. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Hoài Thanh (Theo Forbes)


Mỹ phải kiềm chế tham vọng chủ quyền của Trung Quốc thế nào?
Mỹ phải kiềm chế tham vọng chủ quyền của Trung Quốc thế nào?

Sự nguy hiểm ở đây là chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc, nếu không được ngăn chặn, sẽ làm thay đổi trật tự quốc tế ở châu Á, đe dọa đến ổn định và lợi ích của Mỹ, các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN