Trung Quốc tham vọng trở thành cường quốc biển

Ngày 7/8, "Đại công báo" (Hong Kong) dẫn nguồn tin Đài Tiếng nói nước Nga cho biết Trung Quốc đã bắt đầu thành lập hạm đội hoạt động ở vùng biển quốc tế, trong đó bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường và tàu đổ bộ cỡ lớn.

Trong khi đó, nhiều trang mạng đưa tin nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải đang đóng một tàu sân bay với kích thước lớn hơn tàu sân bay Liêu Ninh, đồng thời còn trang bị thêm thiết bị phóng đạn. Bên cạnh đó, việc hải quân Trung Quốc gần đây liên tiếp tiến hành tập trận càng chứng tỏ họ đang thực hiện ý tưởng lớn nhất từ trước đến nay là thành lập một hạm đội hoạt động ở vùng biển quốc tế.

Máy bay J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: THX/TTXVN


Theo Đài Tiếng nói nước Nga, lợi ích kinh tế trên toàn cầu của một quốc gia gắn bó chặt chẽ với sự mở rộng phạm trù lợi ích chính trị và việc thành lập hạm đội hoạt động ở vùng biển quốc tế. Sự can thiệp của các nước phương Tây đối với Libya và sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi đã gây tổn thất kinh tế lên tới 16,6 tỷ USD cho các công ty của Trung Quốc đóng tại quốc gia này, hơn nữa Trung Quốc còn phải gấp rút đưa 35.000 công dân ra khỏi Libya trong một thời gian ngắn. Nếu như Bắc Kinh tiếp tục bất lực trong việc bảo vệ lợi ích kinh tế thông qua các biện pháp chính trị, quân sự thì việc mở rộng lợi ích kinh tế trên toàn cầu của họ sẽ vấp phải những hạn chế khó có thể khắc phục.

Bài báo cho biết, trong thời điểm hiện nay, những nỗ lực của Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu. Mỹ chưa nhận thấy những nguyên nhân gây lo lắng; hơn nữa, Mỹ vẫn chưa đưa ra ý kiến thống nhất về việc sẽ phản ứng thế nào đối với ý đồ quân sự trên biển của Trung Quốc. Trong thế kỷ 19 cũng đã xảy ra tình huống tương tự khi đế chế Anh không biết nên phản ứng ra sao đối với sự cạnh tranh trang thiết bị quân sự trên biển với Đức.

Tờ “Thời báo Hoàn cầu” đưa tin quyết tâm trở thành cường quốc biển của Trung Quốc một lần nữa được công khai. Điều đáng quan tâm hơn là vấn đề này đã được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại buổi học tập thể của Bộ Chính trị nước này. Trở thành cường quốc biển là con đường phát triển tất yếu của Trung Quốc và ý nghĩa chiến lược của vấn đề này ngày càng thể hiện rõ rệt.

Những xung đột gần đây của Trung Quốc với các nước đều liên quan đến biển. Đây chính là một vấn đề nan giải trong quan hệ đối ngoại của nước này. Lo ngại của các nước đối với kế hoạch hướng ra biển của Trung Quốc đã trở thành một trong những nguyên nhân xây dựng “học thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Việc trở thành một cường quốc biển không chỉ có nghĩa là Trung Quốc muốn giành thế “thượng phong” trong các tranh chấp với các quốc gia khác, mà nó còn bao hàm việc nắm giữ kỹ thuật khai thác biển, duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển các ngành nghề liên quan tới biển, đồng thời hướng ra các vùng biển quốc tế.


TTK
Nhật Bản,  Philippines tăng cường hải quân đối phó Trung Quốc
Nhật Bản, Philippines tăng cường hải quân đối phó Trung Quốc

Nhật Bản đã ra mắt chiến hạm lớn nhất của nước này kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai, Philippines cũng đã nhận thêm tàu chiến của Cảnh sát biển Mỹ trong nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN