Mỹ phải kiềm chế tham vọng chủ quyền của Trung Quốc thế nào?

Sự nguy hiểm ở đây là chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc, nếu không được ngăn chặn, sẽ làm thay đổi cơ bản trật tự quốc tế ở châu Á theo thời gian, đe dọa đến sự ổn định và lợi ích sống còn của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác trong khu vực. Những hành động gây hấn hơn của Trung Quốc cũng làm tăng nguy cơ về một tính toán sai lầm về mặt chiến thuật mà có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng, thậm chí là một cuộc xung đột.

Đó là đồng nhận xét của ông Michèle Flournoy, Giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về chính sách từ năm 2009 -2012, và ông Ely Ratner, một học giả cao cấp tại CNAS. Trong bài bình luận được đăng tải trên tờ Washington Post mới đây với tiêu đề: "Mỹ phải kiềm chế tham vọng chủ quyền của Trung Quốc", hai vị chuyên gia trên đã đưa ra một số biện pháp để Washington có thể ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh, cụ thể như sau:

Trong tháng này, Trung Quốc lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập hải quân RIMPAC do Mỹ đứng đầu. 4 tàu hải quân Trung Quốc, trong đó có 1 tàu khu trục tham gia tập trận cùng với 25.000 thủy thủ, 200 máy bay chiến đấu và gần 50 tàu chiến từ hơn 20 quốc gia.

Tàu Trung Quốc tìm cách truy cản tàu cảnh sát biển Việt Nam gần khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan.


Quyết định của chính quyền Obama để Trung Quốc tham gia vào một cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới chỉ là một động thái mới nhất của Mỹ được thiết kế nhằm khuyến kích Bắc Kinh đóng vai trò hiệu quả hơn trên thế giới. Những nỗ lực như vậy là một điểm đặc trưng về chính sách Trung Quốc của Washington kể từ khi hai nước bình thường hóa vào năm 1979. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, sau 35 năm hợp tác, Trung Quốc giờ đây đang khiến người ta nghi ngờ cam kết về sự trỗi dậy của nước này.

Cách hành xử gần đây của Trung Quốc đã dựa vào một niềm tin rằng sự hội nhập của Bắc Kinh vào trong trật tự an ninh và kinh tế quốc tế đang thịnh hành hiện nay không chỉ vì lợi ích của Trung Quốc mà còn vì lợi ích của Mỹ và toàn thế giới. Washington đã ủng hộ Bắc Kinh tham gia vào những thể chế đa phương hàng đầu như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); và đã tăng cường mối quan hệ song phương một cách đều đặn với Bắc Kinh thông qua một loạt các cam kết ngoại giao, bao gồm Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên (sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 7 này).

Kết quả là, nếu tình trạng trên tiếp tục được duy trì, vị thế của Trung Quốc trên thế giới có lẽ sẽ ngày càng tăng lên theo thời gian. Tưởng rằng, vì quyền lợi của chính mình, Trung Quốc sẽ sử dụng những lợi ích mà mình thu được đóng góp cho sự ổn định và tăng cường các nguyên tắc, luật lệ hiện hành, ví dụ như tự do hàng hải và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, điều mà cuối cùng có lẽ sẽ giúp Trung Quốc nổi lên là một “cổ đông có trách nhiệm” như lời cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick mô tả. 

Nhưng đó không phải là những gì đang diễn ra. Sau vài thập kỷ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, hành vi của Trung Quốc đã thay đổi một cách đáng chú ý sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhiều người ở Trung Quốc đã dự báo về một sự suy giảm nhanh chóng của Mỹ, và sự hân hoan này đã kết hợp với chủ nghĩa quốc gia và sự thịnh vượng ngày càng tăng để tạo ra chính sách đối ngoại gây hấn hơn của Trung Quốc.

Đặc biệt, kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc năm 2013, Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền của nước này một cách quyết đoán hơn ở Biển Đông và biển Hoa Đông, trái ngược với quan điểm “gác tranh chấp” mà Đặng Tiểu Bình đã đưa ra trước đây.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ rằng tăng trưởng kinh tế liên tục - nguồn gốc cơ bản về tính hợp pháp của chính quyền Bắc Kinh - phụ thuộc vào một môi trường khu vực ổn định. Kết quả là, Trung Quốc dường như đang thực hiện các bước đi được tính toán một cách cẩn thận – ví dụ, chiếm các đảo nhỏ bằng lực lượng hải giám; đơn phương khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển có tranh chấp; cải tạo các bãi đá và san hô lộ thiên nhỏ trở thành nơi đồn trú quân sự và khoan dầu ở các vùng nước tranh chấp. Các hành động này được thiết kế nhằm thay đổi nguyên trạng ở châu Á mà không kích động một phản ứng nghiêm trọng từ các nước láng giềng và Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, trái và người đồng cấp Thường Vạn Toàn tại một cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh hôm 8/4/2014. Ảnh: AP


Sự nguy hiểm ở đây là chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc, nếu không được ngăn chặn, sẽ làm thay đổi cơ bản trật tự quốc tế ở châu Á theo thời gian, đe dọa đến sự ổn định và lợi ích sống còn của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác trong khu vực. Phép ẩn dụ phù hợp ở đây là: một con ếch ở trong một nồi nước mà không nhận ra nhiệt độ đang dần tăng lên cho đến khi quá muộn để nó nhảy ra ngoài.
 
Những hành động gây hấn hơn của Trung Quốc cũng làm tăng nguy cơ về một tính toán sai lầm về mặt chiến thuật có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng, thậm chí là một cuộc xung đột.

Vậy Mỹ nên đáp lại thế nào? Washington nên tiếp tục duy trì cam kết của mình trong việc xây dựng quan hệ đối tác bền vững với Bắc Kinh, nhưng nếu bỏ qua những nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc, có thể sẽ đẩy nhanh sự khiêu khích của Bắc Kinh và đi ngược lại một loạt các lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ.
 
Tuy nhiên, một điều bắt buộc là các hành động gây mất ổn định của Trung Quốc phải dừng lại. Điều này đòi hỏi Mỹ phải nỗ lực hơn trong việc hỗ trợ xây dựng một cấu trúc khu vực nhằm nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải để ngăn chặn các hành vi mạo hiểm và cho phép các nước trong khu vực kiểm soát bờ biển của mình một cách tốt hơn.

Bên cạnh đó, các nỗ lực ngoại giao cũng phải được tăng cường để xây dựng những quy tắc mở đường cho việc kiểm soát các tranh chấp hàng hải. Đặc biệt, Mỹ nên theo đuổi những cơ chế quản lý khủng hoảng thay thế nếu Bắc Kinh tiếp tục trì hoãn trong việc tiến tới ký kết một Bộ quy tắc ứng xử (mang tính ràng buộc) ở Biển Đông (COC).
 
Washington sẽ phải suy nghĩ một cách sáng tạo về việc làm thế nào để cải thiện tính hiệu quả của cơ quan Trọng tài quốc tế, nơi mà Philippines đang kiện Trung Quốc nhằm phản đối yêu sách bành trướng ở Biển Đông. Mặc dù các cơ quan này thiếu cơ chế thực thi, Mỹ và các nước vẫn có thể tác động đến tính toán của Trung Quốc bằng cách thống nhất và hỗ trợ nhau; đồng thời làm cho sự tuân thủ phán quyết của trọng tài như là một điều kiện tiên quyết để Bắc Kinh được tham gia vào các cuộc tập trận như RIMPAC hoặc trong các tổ chức đa phương như Hội đồng Bắc Cực.
 
Ngoài ra, Mỹ cũng nên tìm các biện pháp để gây áp lực kinh tế đối với các công ty nhà nước Trung Quốc chẳng hạn như Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc.
 
Sẽ là tốt hơn nếu không biện pháp nào trong số các phương án trên phải sử dụng. Nhưng tình hình căng thẳng ở châu Á đang tăng lên, và Mỹ cùng cộng đồng quốc tế phải thực hiện các bước để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực quan trọng này.


Công Thuận (Theo Washington Post)

Hành xử ‘tồi’ của Trung Quốc: Cơ hội Việt Nam phát triển hơn
Hành xử ‘tồi’ của Trung Quốc: Cơ hội Việt Nam phát triển hơn

“Tuyên bố chủ quyền hợp pháp của Việt Nam là rất mạnh mẽ và có cơ sở; hay nói một cách khác, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vừa rất yếu về mặt pháp lý vừa đạo đức giả”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN