Một báo cáo chính thức của Mỹ cho biết: Trung Quốc, nước một thời được xem là công xưởng của thế giới, đang vươn mình trở thành cỗ máy đầu tàu trong Nghiên cứu & Phát triển (R&D) toàn cầu, tiến đến sánh ngang với Mỹ.
Trong thông điệp Liên bang đọc trước Quốc hội Mỹ hôm 28/1, Tổng thống Barack Obama có nói một ý: Một quốc gia đi theo hướng luôn đổi mới, cải tiến về công nghệ trong ngày hôm nay sẽ trở thành người thống lĩnh kinh tế toàn cầu trong tương lai. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời cũng cảnh báo Trung Quốc “không hề là người đứng ngoài” tiến trình này. Liền sau đó, một báo cáo của Ban Khoa học Quốc gia Mỹ (NSB) – cơ quan soạn thảo chính sách cho Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) cho thấy Trung Quốc đang vươn mình trở thành đầu tàu của sáng tạo toàn cầu.
Nguyên nhân thúc đẩy có nhiều, nhưng chính việc tích tụ được nguồn vốn tư bản lớn sau nhiều năm cải cách, cùng với những yêu cầu đặt ra trong chuyển đổi mô hình kinh tế là nhân tố chính buộc Trung Quốc đi vào lĩnh vực công nghệ cao. Sau hơn 3 thập kỉ thực thi chính sách dân số 1 con, Trung Quốc hiện không còn giữ ưu thế về nhân công giá rẻ, phải tìm cách tái cơ cấu sản xuất. Nói một cách hình ảnh: Quốc gia đông dân nhất thế giới muốn chuyển từ khâu lắp ráp điện thoại iPhone cho Apple sang phát minh ra nó.
Nguồn nhân lực chất lượng sẽ giúp Trung Quốc đi đầu thế giới về công nghệ cao. Ảnh: FP
|
Báo cáo của NSB nhận định: Trung tâm công nghệ cao của thế giới đang dịch chuyển về châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - nước được xem là đối thủ chính trị lớn nhất của Mỹ. Tính trên phạm vi toàn cầu, sản lượng công nghệ cao của Trung Quốc gần bằng Mỹ. Tỉ trọng sản lượng công nghệ cao của Trung Quốc tăng từ 8% năm 2003 lên 24%, so với mức 27% của Mỹ. Số lượng sinh viên theo học các ngành chế tạo, khoa học tăng đột biến hứa hẹn sẽ có các bước ngoặt lớn tiếp theo. Trung Quốc đang chuyển về xu hướng phát triển về chất, thay vì lượng, và có thể thách thức ngôi vương về công nghệ cao mà nước Mỹ nắm giữ trong hàng chục năm qua. Ngày 6/2, Chủ tịch NSB Dan E. Arvizu nhận định, “Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt Mỹ về sản lượng công nghệ cao trong tương lai gần”, khi mà chi cho R&D của Mỹ trên toàn thế giới giảm từ 37% xuống 30% giai đoạn 2001 – 2011, đối nghịch với mức tăng tương ứng của Trung Quốc từ 2,2% lên 14,5%. Con số 14,5% này được dự báo là sẽ còn tăng tiếp do chi tiêu cho R&D của Trung Quốc tăng bình quân ở mức 18%/năm.
Thứ nữa là xét về giáo dục. Năm 1999, chỉ có dưới 1 triệu sinh viên đại học Trung Quốc ra trường. Nhưng đến năm 2013, con số này đã vọt lên 7 triệu. Kết quả là ngày càng có nhiều cử nhân, kĩ sư Trung Quốc có đủ năng lực, kiến thức tham gia vào các chương trình nghiên cứu hiện đại, hoặc là tìm kiếm công việc trong các ngành công nghệ cao. Nhưng điều thực sự mang lại ưu thế vượt trội cho Trung Quốc lại nằm ở cơ cấu đào tạo đại học: Tại Trung Quốc, 35% sinh viên theo học các chuyên ngành kĩ sư, chế tạo, trong khi tỉ lệ này ở Mỹ chỉ là 5%!
Nói như vậy không hẳn là Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành quốc gia công nghệ cao trong ngày một ngày hai. Công nghệ cao vẫn chiếm 40% GDP nước Mỹ, lớn hơn bất kì nước nào trên thế giới. Đầu tư cho công nghệ tại nước Mỹ chắc chắn sẽ có bước nhảy vọt sau khi kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ tìm lại được đà phục hồi sau giai đoàn suy giảm – vốn là nguyên nhân gây đến sự thu hẹp đầu tư trong lĩnh vực R&D của các doanh nghiệp tư nhân.
Trong khi đó Trung Quốc cũng có những khó khăn riêng: Một bộ phận không nhỏ các kĩ sư giỏi đều tìm kiếm việc làm ở những nước phát triển, hệ thống đào tạo hiện nay chỉ chú trọng kiểu đọc - chép mà thiếu sự kích thích sáng tạo, làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng xuất hiện các nhân vật kiệt xuất tầm cỡ Bill Gates, Steve Jobs, Mack Zuckerbergs... Thế nhưng, theo thời gian, mức đầu tư khổng lồ của Trung Quốc cho khoa học - công nghệ sẽ tạo ra sự khác biệt, vì “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nước là chìa khóa cho việc tạo dựng sáng tạo quốc gia”, như giáo sư Ray M. Bowen, thành viên NSB phát biểu. Mà điều này thì xem ra Trung Quốc đang từng bước làm tốt.