Vì sao chế độ thai sản cho nam giới vẫn không thể cứu vãn khủng hoảng dân số Nhật Bản?

Trong thập kỷ qua, chính quyền Nhật Bản đã cố gắng tuyên truyền trào lưu “ikumen” nhằm giảm bớt chế độ giờ làm khắc nghiệt tại quốc gia này, cũng như khuyến khích những người cha dành thêm thời gian cho gia đình, trong bối cảnh Nhật Bản đang chứng kiến tỉ lệ sinh thấp nhất chưa từng có.

“Ikumen” là một thuật ngữ được dùng để chỉ những người  đàn ông Nhật Bản tham gia lao động nhưng vẫn tích cực đóng góp vào việc chăm sóc con cái. 

Chú thích ảnh
Nhật Bản đặt mục tiêu tăng số lượng lao động nam hưởng chế độ thai sản lên 85% vào năm 2030. Ảnh: Reuters

Ngày 17/3 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố một loạt các chính sách, bao gồm việc tăng trợ cấp cho trẻ em và cam kết tăng số lượng lao động nam hưởng chế độ thai sản từ 14% trong năm nay lên 50% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030. Đây là động thái của Nhật Bản nhằm nắm bắt cơ hội cuối cùng để đảo ngược quá trình già hóa dân số.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi rằng liệu kế hoạch này có thể thực sự giúp thay đổi tình trạng già hóa dân số đang “dày vò” nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Makoto Iwahashi, một thành viên của POSSE – một tổ chức công đoàn tại Nhật Bản với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của những lao động trẻ, cho rằng bất chấp kế hoạch chính đáng của chính phủ, nam giới Nhật Bản vẫn tỏ ra lo ngại trước việc phải nghỉ thai sản khi điều này có thể ảnh hưởng đến công việc của mình.

Theo một dự luật được Quốc hội Nhật Bản thông qua năm 2021, nam giới được phép nghỉ chế độ thai sản trong tối đa 4 tuần và hưởng 80% mức lương của họ. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến trong công việc và thậm chí khiến người lao động mất đi công việc hiện tại, đặc biệt là những lao động ký hợp đồng có thời hạn.

Bên cạnh đó, ông Iwahashi chỉ ra một thay đổi nhỏ trong quy định chế độ nghỉ không thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng giảm tỉ lệ sinh tại Nhật Bản.

Giáo sư kinh tế học Hisakazu Kato của Đại học Meiji ở Tokyo nói rằng qua các năm, các công ty lớn dần trở nên thoải mái hơn trong chính sách chế độ thai sản, trong khi những doanh nghiệp nhỏ vẫn còn nhiều hạn chế do những lo ngại về tình trạng thiếu nhân lực khi người lao động chọn nghỉ chế độ thai sản.

Tiếp thu những lo ngại, Thủ tướng Kishida cam kết sẽ tăng nguồn ngân sách hỗ trợ dành cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong văn kiện thường niên về chính sách kinh tế sắp được công bố vào tháng 6 tới.

Nhà lãnh đạo cũng tiết lộ kế hoạch yêu cầu các công ty công bố chỉ số hiệu năng làm việc để giúp tăng số lượng lao động nam tham gia nghỉ chế độ thai sản.

Năm 2022 chứng kiến lần đầu tiên kể từ năm 1899, Nhật Bản ghi nhận số ca sinh dưới 800.000. Đây là con số báo hiệu tốc độ già hóa dân số đáng lo ngại tại quốc gia Đông Bắc Á này. Thủ tướng Kishida cảnh báo: “Khoảng thời gian 6 đến 7 năm sắp tới sẽ là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh giảm”.

Tuy nhiên, giáo sư chính sách công và khoa học xã hội Stuart Gietel-Basten của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong nhắc nhở tỷ lệ sinh thấp thường do các yếu tố văn hóa bảo thủ tác động, từ văn hóa nơi làm việc đến các quan điểm về giới tính. Điều này khó có thể thay đổi để bắt kịp theo các chính sách mới.

Riki Khorana, một kỹ sư 26 tuổi tại Tokyo, đang tính tới việc kết hôn vào tháng 6. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến anh e ngại khi lập gia đình. 

Theo khảo sát chi phí sinh hoạt của hãng tư vấn Mercer (Mỹ), Tokyo được xếp hạng là thành phố với chi phí sinh hoạt cao thứ 9 toàn thế giới. Khorana đang có kế hoạch sinh hai con và có thể nhiều hơn nếu chính phủ Nhật Bản đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Hiện tại, tỉ lệ sinh con tại mỗi hộ gia đình ở Nhật Bản là khoảng 1,3 – thấp hơn rất nhiều so với con 2,1 cần có để đạt được sự cân bằng dân số.

Qua từng năm, các chuyên gia chỉ ra rằng các yếu tố như áp lực việc làm, tình hình đình trệ của nền kinh tế đang khiến cho giới trẻ ngại kết hôn và lập gia đình.

Để khuyến khích giới trẻ, Thủ tướng Kishida đang có kế hoạch cải cách thị trường, trong đó tăng mức lương và trợ cấp kinh tế cho các lao động trẻ. Đồng thời, ông cũng cam kết đưa ra những phúc lợi phù hợp dành cho các lao động tự do, cũng như tăng các khoản trợ cấp trẻ em, bao gồm trợ cấp nhà ở, giáo dục và nuôi con.

Anh Tú/Báo Tin tức (Theo CNN)
EU đối mặt vấn đề già hóa dân số do tỷ lệ sinh thấp
EU đối mặt vấn đề già hóa dân số do tỷ lệ sinh thấp

Dữ liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy độ tuổi trung bình của dân số châu Âu đã tăng 2,5 tuổi trong thập kỷ qua. Trong đó, Bồ Đào Nha ghi nhận độ tuổi trung bình tăng cao nhất với 4,7 tuổi, sau đó là Tây Ban Nha tăng 4,3 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN