Theo đài Sputnik (Nga), trong cuộc họp về y tế hàng tuần ngày 7/2, ông Maduro nói rằng vaccine Sputnik V của Nga cho thấy mức độ bảo vệ cao. Đầu tháng 2, ông Maduro cho biết thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik V ở Venezuela đạt tỷ lệ hiệu quả là 100%.
Venezuela đã đăng ký mua Sputnik V vào tháng 1. Theo ông Maduro, 10 triệu liều đầu tiên sẽ tới Venezuela vào quý đầu năm 2021.
Hồi tháng 8/2020, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa COVID-19 có tên là Sputnik V do Viện Nghiên cứu Gamaleya bào chế.
Theo phân tích thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của Sputnik V đăng trên tạp chí y khoa The Lancet, Sputnik V hiệu quả 91,6% trong ngừa COVID-19. Kết quả trên được Viện Nghiên cứu Gamaleya đối chiếu phù hợp với số liệu về hiệu quả được công bố ở các giai đoạn trước thử nghiệm.
Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Denis Logunov thuộc Viện Nghiên cứu Gamaleya cho biết nghiên cứu được thực hiện ở Moskva từ tháng 9/2020 với 19.866 tình nguyện viên, trong đó 1/4 dùng giả dược. Kể từ khi thử nghiệm bắt đầu đã ghi nhận 16 trường hợp có triệu chứng COVID-19 ở những người được tiêm vaccine và 62 trường hợp ở nhóm dùng giả dược. Điều này cho thấy chế độ hai liều vaccine đạt hiệu quả 91,6% đối với người mắc COVID-19 có triệu chứng. The Lancet cho biết 4 trường hợp tình nguyện viên đã tử vong, nhưng không có trường hợp nào được coi là liên quan đến tiêm chủng.
Trước đó, ngày 3/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất vaccine Sputnik V tại nước ngoài. Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết các hãng sản xuất vaccine nước ngoài mà Nga đã ký thỏa thuận sản xuất Sputnik V có khả năng sản xuất khoảng 350 triệu liều vaccine này mỗi năm. Theo ông Manturov, vaccine Sputnik V đã bắt đầu được sản xuất ở Kazakhstan và các hãng sản xuất ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Belarus chuẩn bị tham gia hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã nộp đơn đăng ký xin lưu hành vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 tại Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến sẽ được xem xét vào tháng sau.
EU đã hoan nghênh vaccine Sputnik V của Nga sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho hiệu quả lên tới 91,6 % trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 trên cơ thể người. Thông tin này đang thúc đẩy nhiều nước châu Âu gây sức ép với Cơ quan Dược phẩm châu Âu sớm phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga để sớm đưa vào sử dụng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự cởi mở trong việc sử dụng vaccine này của Nga tại EU nếu được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép.
Ngày càng nhiều quốc gia cấp phép sử dụng Sputnik V để tiêm chủng cho người dân. Mới đây, Bộ trưởng Nguồn nhân lực Hungary, Miklos Kasler cho biết Trung tâm dịch vụ y tế quốc gia Hungary đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga ngừa COVID-19 để sử dụng ở quốc gia châu Âu này.
Trước đó, ngày 6/2, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga thông báo Myanmar đã phê duyệt sử dụng vaccine Sputnik V của Nga phòng ngừa COVID-19.
Giới chức Mexico ngày 3/2 thông báo nước này đã thông qua việc sử dụng vaccine Sputnik V trong phòng ngừa COVID-19.