Tuần trước, Mỹ thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ ở lại Washington để giải quyết tình trạng Chính phủ một phần đóng cửa do tranh cãi về chi tiêu xây tường biên giới chưa được tháo gỡ. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm ngoái, Tổng thống Trump tận dụng cơ hội này để ca ngợi cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” khác xa với thông điệp thông thường về hợp tác toàn cầu mà các nhà lãnh đạo khác mang tới Davos.
Trong khi đó, một loạt các nhà lãnh đạo châu Âu cũng xin phép không tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay vì còn phải “vật lộn” với vấn đề trong nước. Thủ tướng Anh Theresa May vừa mới chứng kiến một thất bại chưa từng có trong lịch sử hiện đại khi kế hoạch rời Liên minh châu Âu (Brexit) bị Quốc hội phủ quyết và bà vẫn đang tìm cách để nhận được sự ủng hộ từ họ đối với thỏa thuận Brexit. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng rút lui khỏi Diễn đàn trong bối cảnh làn sóng biểu tình từ phong trào Áo vàng bước sang tuần thứ 10. Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay cũng sẽ không có sự góp mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có màn xuất hiện tại Thụy Sỹ hay không.
Với sự vắng mặt của nhiều nhà lãnh đạo các nước lớn, ngôi sao trên sân khấu Davos năm nay được cho là thuộc về Tổng thống mới nhậm chức Brazil Jair Bolsonaro.
“Bolsonaro sẽ là nhà lãnh đạo Mỹ La tinh đầu tiên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, có bài phát biểu 45 phút. Tuy nhiên đó lại là điều nguy hiểm. Tại lễ nhậm chức, ông Bolsonaro phát biểu có 10 phút, điều đó có nghĩa là ban cố vấn có thể kiểm soát ông không đi chệch khỏi thông điệp lên kịch bản sẵn. Nhưng đây là người đàn ông nổi tiếng với việc nói bất kỳ điều gì mình muốn và chỉ lo lắng khi có hậu quả sau đó… May mắn là không có phần hỏi-đáp nào sau đó”, Carlos Caicedo – nhà phân tích cấp cao châu Mỹ La tinh tại viện nghiên cứu IHS Markit có trụ sở ở London, Anh – nhận xét.
Theo kế hoạch, hội nghị WEF 2019 sẽ diễn ra từ ngày 22 -25/1, quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, và đại diện các tổ chức quốc tế.
Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới.