Vấn đề Biển Đông: Trung Quốc nói và câu chuyện thực tế

Trong một động thái mới nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc không xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và các công trình xây dựng chủ yếu phục vụ mục đích dân sự. Nhưng đâu là sự thật?

Tàu Trung Quốc quanh đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm trong cuộc họp báo hàng tháng ngày 30/3 tuyên bố: “Không có cái gọi là đảo nhân tạo. Phần lớn các công trình xây dựng cho các mục đích dân sự, bao gồm các cơ sở phòng thủ cần thiết”.

Theo giải thích của ông Ngô Khiêm, thông tin về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông có thể xuất phát từ hiểu nhầm. Ông này cũng trắng trợn khẳng định Trung Quốc có đầy đủ quyền để xây dựng ở Biển Đông vì quần đảo Trường Sa là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tấm bản đồ cổ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” vẽ các tỉnh của Trung Quốc do nhà Thanh xuất bản năm 1904, thể hiện rõ cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) thành lập theo phụ lục VII, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã bác những tuyên bố về các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong yêu sách "đường 9 đoạn". 

Có lẽ vì vậy, khi được yêu cầu làm rõ thêm về việc không có đảo nhân tạo ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối, lấp liếm nói rằng Trung Quốc đã cung cấp đầy đủ chi tiết về công việc xây dựng của nước này.

Trước đó, cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bao biện rằng nước này không quân sự hóa ở Biển Đông và vũ khí ở đây nhằm "duy trì tự do hàng hải". 

"Các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các đảo và đá chủ yếu dành cho các mục đích dân sự và nếu có một lượng nhất định thiết bị quốc phòng hoặc cơ sở hạ tầng, nó nhằm duy trì tự do hàng hải", Reuters dẫn lời ông Lý nói với các phóng viên tại Australia hồi hạ tuần tháng 3/2017.

Trung Quốc từng nhiều lần cam kết sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, tuy nhiên, ngày 27/3/2017, phân tích những bức ảnh vệ tinh gần đây tại đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, Trung tâm Nghiên cứu Chiếc lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ nói rõ: Các công trình đường băng, trạm radar, nhà chứa tên lửa đất đối không... của Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành. Tại ba địa điểm trên, Trung Quốc đã xây dựng các công trình bê tông đủ lớn để chứa 24 máy bay chiến đấu và 4 hoặc 5 máy bay lớn hơn như máy bay ném bom hay máy bay cảnh báo sớm.

Trung tâm này cho rằng Trung Quốc hiện có thể triển khai máy bay chiến đấu và các loại phương tiện quân sự khác vào bất kỳ thời điểm nào. 

Ba năm qua, theo ước tính của phía Mỹ, Trung Quốc đã cải tạo thêm hơn 1.300 hecta đất trên 7 thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ trái phép ở Biển Đông. Việc Trung Quốc xây dựng bảy hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Mỹ và nhiều nước khác cho rằng Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực và thay đổi hiện trạng để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.

Ngày 28/2/2017, trang mạng của báo "The Philippine Star" của Philippines dẫn lời thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các công trình để bố trí tên lửa đất đối không vi phạm những hứa hẹn của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa khu vực. 

Trong một thông báo, ông Sullivan khẳng định: "Bất chấp những tuyên bố xa rời thực tế, Trung Quốc đang tiếp tục thay đổi thực tế trên thực địa ở Biển Đông. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng đường không, đường thủy và hoạt động trên Biển Đông cũng như bất kỳ nơi nào mà luật quốc tế cho phép. Mỹ và các đồng minh sẽ không khoan nhượng trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn việc tiếp cận khu vực quan trọng này". 

Về phía Việt Nam, hàng loạt cuộc triển lãm trưng bày chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được tổ chức ở trong và ngoài nước.

Các tư liệu cho thấy Nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước; đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".


Vũ Anh /Báo Tin Tức
Trung Quốc kêu gọi thiết lập cơ chế hợp tác trên Biển Đông
Trung Quốc kêu gọi thiết lập cơ chế hợp tác trên Biển Đông

Ngày 25/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã kêu gọi các quốc gia ven biển trong khu vực Biển Đông thành lập một cơ chế hợp tác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN