Ủy ban Quốc hội Hy Lạp thông qua thỏa thuận với chủ nợ

Ngày 13/8, sau cuộc thảo luận gay gắt kéo dài nhiều giờ, các ủy ban chuyên ngành của Quốc hội Hy Lạp đã thông qua thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế về gói cứu trợ thứ ba trị giá 85 tỷ euro cho nước này.

Toàn cảnh phiên họp khẩn cấp của Quốc hội Hy Lạp về gói cứu trợ thứ ba ngày 13/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, việc bỏ phiếu phê chuẩn tại Quốc hội bị kéo dài sang ngày 14/8, khi các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ), đồng thời nội bộ đảng SYRIZA cầm quyền xảy ra những xung đột căng thẳng xung quanh bản thỏa thuận trên.

Theo tin từ hãng TASS (Nga), các ủy ban chuyên ngành có đưa một số sửa đổi vào thỏa thuận gồm 40 cải cách, cụ thể là về các hộ gia đình có nợ khó trả và về hệ thống lương hưu.

Phát biểu trước phiên họp toàn thể Quốc hội vào rạng sáng 14/8, Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos kêu gọi các nghị sĩ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận trên để ông có thể mang kết quả đó đến cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Eurozone. Theo ông Tsakalotos, một thỏa thuận cùng với các cải cách được phê chuẩn sẽ là điều kiện tiên quyết để Hy Lạp được giải ngân các khoản cứu trợ.

Trong khi đó, nội bộ đảng Syriza cầm quyền lại xảy ra những xung đột căng thẳng xung quanh thỏa thuận. Trong khi Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantopoulou chỉ trích Bộ trưởng Tài chính, thủ lĩnh cánh tả trong SYRIZA Panagiotis Lafazanis, người trước đó đã bị Thủ tướng Alexis Tsipras đưa ra khỏi chính phủ vì bỏ phiếu chống thỏa thuận cải cách đổi lấy cứu trợ, cùng với 13 nghị sĩ khác thuộc đảng Người Hy Lạp độc lập tuyên bố tách ra thành lập tổ chức chính trị mới của riêng mình và kêu gọi phong trào phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” trên toàn quốc.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nhà nước Alekos Flambouraris tuyên bố trên truyền hình nếu phiên bỏ phiếu sáng 14/8 không thông qua thỏa thuận, ông Tsipras sẽ kêu gọi bầu cử trước thời hạn.

Bất chấp những trì hoãn tại Hy Lạp, ngày 13/8 Nghị viện Phần Lan là nước đầu tiên đã bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận cứu trợ thứ ba cho Athens.

Trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tại Brussels, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đang chờ đợi quyết định từ phía đối tác châu Âu về gói cứu trợ cho Hy Lạp trước khi tự mình xem xét có tham gia vào chương trình này hay không.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan này dự báo nợ của Hy Lạp sẽ tăng mạnh trong hai năm 2015 và 2016, tương đương tới 196% và 201% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP).

TTXVN/Tin Tức
Kinh tế Hy Lạp bất ngờ tăng trưởng
Kinh tế Hy Lạp bất ngờ tăng trưởng

Kinh tế Hy Lạp đã bất ngờ tăng trưởng trở lại trong quý 2/2015 bất chấp tình trạng chính trị biến động và nguy cơ "xứ sở thần thoại" rời khỏi Eurozone.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN